Thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM) triển khai lập chốt cân xe tại vòng xoay Mỹ Thủy quận 2 phạt xe quá tải trước cảng Cát Lái. Qua kiểm tra đã xử phạt hàng trăm trường hợp xe tải nặng, xe container vi phạm chở quá tải trọng thiết kế của xe.
Theo quy định, các trường hợp vượt quá trọng tải trên 30% sẽ bị lập biên bản phạt 4 triệu đồng, giữ giấy phép lái xe 60 ngày, các trường hợp vi phạm từ 5% - 30%, bị phạt vi phạm hành chính 1 triệu đồng và giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Với sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng, nhiều lái xe không dám ra vào cảng để giao nhận hàng hóa vào ban ngày.
Tuy nhiên, tình trạng chở quá tải vẫn chưa thuyên giảm. Cứ mỗi lần thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe, các lái xe, DN vận tải tìm cách đối phó bằng cách cho xe nằm dài dọc theo các tuyến đường hay nằm trong bãi, trong cảng chờ đến lúc lực lượng kiểm tra rút đi hoặc dừng công tác kiểm tra vào đêm khuya mới cho xe xuất bến. Bên cạnh đó, những “tập đoàn” xe này có đội ngũ do thám đường trước khi xe xuất bến. Nếu phát hiện có thanh tra hay cảnh sát, họ liền gọi điện thông báo lái xe chuyển hướng lưu thông. Trước việc tài xế cố ý chạy vào ban đêm để né bị xử phạt xe quá tải, cảnh sát đã tăng cường làm việc ban đêm trước cụm cảng Cát Lái; các tổ tuần tra đêm sẽ lập chốt cân di động trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái như đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định.
Theo giới lái xe, hầu như chuyến xe nào cũng chở… quá tải. Mặc dù họ từ chối nhưng do áp lực từ chủ xe, tài xế phải chở vượt tải đến hàng chục tấn. Cánh tài xế sợ nhất là bị giam bằng lái xe, còn mọi chi phí đóng tiền phạt do chở quá tải đã có chủ xe lo. Nhiều tài xế từ chối chở quá tải và hậu quả là bị chủ xe đuổi việc. Một số lái xe cho rằng, chủ xe bảo chở bao nhiêu thì họ chở bấy nhiêu vì chủ xe có quyền. Đa số xe tải từ các cảng biển hoặc từ các khu công nghiệp đều chở hàng quá tải, mặc dù hành vi này thường xuyên bị phạt nhưng chưa quyết liệt.
Ngoài các trạm cân cố định như thời gian qua, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí trạm cân di động trên đường Nguyễn Văn Linh nhằm tăng cường kiểm tra tải trọng xe. Lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong túc trực kiểm tra 24/24 giờ. Sau vài ngày, lượng xe chở quá tải qua trạm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, trạm này cũng không thể kiểm tra xử lý hết được lượng xe. Những ngày gần đây, lưu lượng xe qua trạm ngày càng giảm. Điều này cho thấy, giới lái xe đã chuyển hướng lưu thông nhằm tránh bị kiểm tra.
Điều đáng nói là trạm cân trên đường Nguyễn Văn Linh là trạm di động chứ không phải là cố định. Nghĩa là kiểm tra theo “chiến dịch” một thời gian rồi dời đi nơi khác nếu thấy xe chở hàng ổn định (tức không quá tải). Điều gây băn khoăn là lực lượng kiểm tra làm sao để đưa được tất cả các xe chở hàng vào trạm cân? Thậm chí nhiều doanh nghiệp “mua đường” hoặc tìm cách “lo lót” và nghiễm nhiên được chở quá tải mà không bị xử phạt.
Nếu muốn xử lý triệt để tình trạng xe chở quá tải cần thay đổi cách làm, phải có đủ cân, đủ người để bố trí tại tất cả các tuyến đường trọng yếu trên địa bàn TP. Tổ chức kiểm tra 24/24 giờ và duy trì liên tục từ ngày này qua ngày khác mới mong chặn được nạn xe quá tải. Còn với cách làm như hiện nay chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa” mà thôi.
QUỐC HÙNG