“Phát huy vai trò tự chủ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp – tận dụng cơ hội từ EVFTA” là tiêu đề cuộc tọa đàm vừa được Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 27-8, nhằm thảo luận về cơ hội, thách thức, sự chuẩn bị thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam; quá trình, giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi; những khuyến nghị để hoàn thiện thể chế, chính sách giúp doanh nghiệp hội nhập. Đặc biệt, đại diện một số doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận và khai thác hiệu quả bước đầu về thị trường này với tư cách người trong cuộc.
Lưu ý rằng cơ hội từ EVFTA đặt ra đối với các doanh nghiệp là rất khác nhau, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phân tích, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay xuất khẩu theo giá FOB (có nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng), nghĩa là không cần quan tâm đến thuế, thuế giảm bao phần trăm, cũng không quan tâm đến chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm…
“Câu chuyện về gạo Việt Nam là một điển hình, rất nhiều các đơn từ EU sang, họ đặt hàng các công ty Việt Nam xay xát cho họ, nhưng sang EU hay các nước khác thì không phải là sản phẩm của Việt Nam nữa. Họ dán thương hiệu của họ, như vậy chúng ta chỉ là gia công thôi. Vậy liệu chúng ta có thực sự tận dụng được cơ hội từ EVFTA hay không?”, ông Khanh nêu vấn đề. Theo chuyên gia này, muốn tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy “an phận” với những hợp đồng gia công.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần “nâng cấp” năng lực cạnh tranh, nâng cao hiểu biết, cam kết đối với thị trường, xây dựng và củng cố các mối quan hệ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt Nam xuất khẩu.
TS Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thì cho biết, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đang thực hiện chương trình giám sát về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung. Các FTA với những đối tác có nền sản xuất mang tính bổ sung với chúng ta, sau khi ký xong có tác dụng tích cực ngay, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh. Nhưng đối với các đối tác mang tính bổ sung thấp, thậm chí cạnh tranh với chúng ta, thì nhập siêu của nước ta sẽ có xu thế tăng.
TS Nguyễn Mạnh Tiến khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên dựa vào nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử…) để tạo ra những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam mà các nền kinh tế khác khó lòng cạnh tranh.
Ví dụ về nông nghiệp có chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng bản đồ trái cây riêng biệt của Việt Nam… Rõ ràng đấy là những sản phẩm riêng biệt của nước ta, và chỉ may chăng có những nước tương đồng về khí hậu mới có thể cạnh tranh với chúng ta. Nếu chúng ta làm tốt hơn họ thì đây là lợi thế. Trên cơ sở những nội lực đó, học cách làm từ các nước khác để tiêu chuẩn hóa nội địa, từ đó hình thành thương hiệu quốc gia”. Một hướng đi khác là “Việt Nam hóa” những công nghệ ngoại nhập như công nghệ bảo quản, công nghệ làm đẹp…
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng có một số lĩnh vực mới mà các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh ngang ngửa với nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng hội nhập.
“Sau dịch Covid-19, chúng ta sử dụng rất nhiều dịch vụ thanh toán điện tử thay thế tiền mặt. Phải kể đến ví điện tử MOMO, là ví do các kỹ sư hoàn toàn là người Việt tham gia xây dựng nhưng được rất nhiều doanh nghiệp đầu tư của Hoa Kỳ và nước ngoài ủng hộ. Đến bây giờ, ví MOMO đã có hơn 20 triệu khách hàng. Đây là một trong những cơ quan trung gian thanh toán có lượng khách hàng cao nhất Việt Nam”.
Vẫn theo TS Nguyễn Đức Kiên, việc ký kết các hiệp định FTA lớn như EVFTA cũng tạo ra áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải cải thiện về cả kỹ thuật và nhân lực. Tuy đây cũng là động lực cho doanh nghiệp đổi mới, song tới đây cần có một tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động ngoài tổ chức công đoàn truyền thống...