Thay đổi tư duy phát triển du lịch

Quyết tâm thay đổi tư duy quản lý và cộng thêm sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây sẽ là “cú hích” để du lịch Thừa Thiên - Huế phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng thời gian tới.
Thay đổi tư duy phát triển du lịch

Quyết tâm thay đổi tư duy quản lý và cộng thêm sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây sẽ là “cú hích” để du lịch Thừa Thiên - Huế phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng thời gian tới.

Nhiều tiềm năng, ít khả năng

Không chỉ là trung tâm văn hóa, lịch sử, giáo dục, y tế của cả nước, Thừa Thiên - Huế còn đang “thừa” tiềm năng du lịch với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa; trong đó 153 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Một cố đô Huế còn rất nhiều công trình kiến trúc ghi dấu ấn của vương triều Nguyễn (1802-1945) hưng thịnh. Tam giác Lăng Cô - Cảnh Dương - Bạch Mã đã được Chính phủ xác định là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của quốc gia, rồi Huế là “thành phố festival đặc trưng của Việt Nam”...

Thế nhưng, theo nhìn nhận của TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, đứng trên quan điểm hội nhập, cho thấy thực tế du lịch của tỉnh này chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, thậm chí có xu hướng chững lại trong thời gian qua. Địa phương chưa có các doanh nghiệp mạnh về du lịch để đóng vai trò chủ lực về đầu tư xúc tiến, liên kết các đường bay trong nước và quốc tế; cũng như đầu tư các sản phẩm, tổ hợp du lịch mang tính đột phá và các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Hiện sản phẩm du lịch chủ yếu vẫn dựa trên di sản văn hóa đang ở chu kỳ bão hòa, chưa đổi mới nên khả năng thu hút khách du lịch ít hơn giai đoạn trước…

Thay đổi tư duy phát triển du lịch ảnh 1

Bãi biển Lăng Cô đang trở thành “miền đất hứa”, thu hút các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng

Đồng hành cùng nhà đầu tư

Khắc phục thực trạng “giàu tiềm năng nhưng ít khả năng, không có sản phẩm dịch vụ du lịch nào ra tấm, ra miếng”, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định ưu tiên thực hiện 2 chiến lược kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thời gian tới là phát triển đột phá, đưa Huế trở thành thành phố di sản, nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu “Điểm đến 5 di sản”; biến lợi thế của Thừa Thiên - Huế thành nơi chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cao cấp. Đưa Chân Mây - Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng với TP Huế; kết hợp với Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong thành tổ hợp phát triển hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, lãnh đạo tỉnh cam kết với các nhà đầu tư sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn cũng như chỉ đạo xử lý kịp thời để hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình đầu tư tại Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, địa phương cam kết hỗ trợ hạ tầng đến chân rào các dự án; cung cấp nguồn lao động, hỗ trợ đào tạo nguồn lao động địa phương. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh sẽ đi cùng nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục hành chính theo luật định; tỉnh sẽ hỗ trợ các thủ tục liên quan từ khâu nghiên cứu, lập dự án đến các thủ tục đền bù, thuê đất, xây dựng, triển khai dự án. Chính quyền sẽ kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công dự án, cũng như khi dự án hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016 diễn ra tại TP Huế vào sáng 8-8, điều khiến các đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; đại diện hơn 250 doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phát triển trong thời gian tới là khi ông Nguyễn Văn Cao nêu quan điểm: “Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp bằng sự hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển. Đây là chủ trương xuyên suốt trong quá trình kêu gọi đầu tư vào địa phương từ nay trở về sau”.

Đáp lại, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà khẳng định, BIDV cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư vào Thừa Thiên - Huế. Không chỉ rót vốn, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, BIDV còn  đồng hành suốt quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi nhất, thời gian dài nhất và dịch vụ chất lượng tốt nhất. Trước mắt, BIDV ký kết thỏa thuận tài trợ Quy hoạch du lịch Tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng mức tài trợ 7 tỷ đồng, tài trợ vốn tín dụng cho 7 dự án với tổng mức đầu tư 4.558 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 7.744,5 tỷ đồng và ký kết 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác khác.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục