Người ta có thể chọn được giờ sinh, không chọn được giờ mất. Có nhiều cuộc ra đi được tiên lượng trước nhưng rồi khoảnh khắc ấy đến vẫn luôn là bất ngờ và không ai chờ đợi… Sự ra đi đột ngột của GS Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn vào ngày 3-2, khiến bao trái tim bàng hoàng, đau đớn.
Chúng tôi đã kịp có mặt khi thầy vừa qua đời vài tiếng. Thầy nằm đó, mắt nhắm nghiền, sắc diện không thay đổi, toàn thân phủ vuông vải vàng nhà Phật. Đã có người không kìm được tiếng nấc. Chúng tôi chắp tay đi quanh thi hài thầy rồi lui ra, khe khẽ trao đổi với nhau công việc tang lễ. Nhưng có lẽ trong lòng mỗi người đều đang trào lên những kỷ niệm với thầy, căn nhà này, cánh cổng này… bao lần mình đã tới gặp thầy để học và thăm thầy trong những dịp lễ, tết. 15 giờ 50 cùng ngày, khi tiếng búa đóng đinh quan tài vang lên khô khan, chúng tôi hiểu rằng không bao giờ có thể ngắm nhìn gương mặt người thầy của mình được nữa.
Căn nhà thân quen của thầy trở thành nhà tang lễ. Hơn ba trăm vòng hoa của các sở giáo dục, các trường đại học, của quê hương, bạn bè, học trò… từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về, lớp lớp, lặng lẽ đứng cạnh nhau. Trong cái ngan ngát của hương trầm, hương lan, hương li… và khí xuân nhè nhẹ, dường như cõi âm và dương không cách bức. Chúng tôi vẫn thấy thầy quanh đây vóc hạc, tóc sương, say mê bình Kiều, lẩy Kiều... hào hùng, nhiệt huyết giảng Bình Ngô đại cáo… Những giọt nước mắt long lanh trên gương mặt học sinh THPT Nguyễn Khuyến – ngôi trường thầy là Hiệu trưởng sáng lập. Những học trò “lớn” như thầy Trần Hữu Tá, thầy Trần Thanh Đạm, thầy Nguyễn Tấn Phát, thầy Lê Ngọc Trà… cũng cùng một niềm xúc động lớn lao.
Thầy Nguyễn Nguyên Trứ đi không vững, phải dìu từng bước nhưng cũng cố lên từng bậc cầu thang để viếng lạy thầy. Thầy Trần Xuân Đề, người rất ít khi có mặt trong những cuộc vui, đã đến viếng thầy từ rất sớm. Thầy Bùi Mạnh Nhị đang trong chuyến công tác tại Liên bang Đức cũng vội vã trở về để được thắp cho thầy một nén nhang…Và có cả những học trò đã vào hàng ông, cụ… khi mới bước đến cổng nhà thầy đã bật khóc hu hu như đứa trẻ… Nỗi đau sinh ly tử biệt được xoa dịu phần nào bởi nghĩa tình sâu nặng, chân thành của rất nhiều thế hệ thầy, trò.
Có bao lượt khách viếng thăm? Không thể kể xiết. Trong suốt ba ngày, hàng nối hàng, chờ đến lượt được mời vào. Không đủ ghế ngồi, từng tốp, từng tốp đứng dưới tán cây bên đường kiên nhẫn chờ đợi.
Thầy không chỉ là người con của gia đình mà còn là người con của Tổ quốc. Nhiều cơ quan Đảng đã đến viếng thầy với tấm lòng trân trọng người đồng chí hơn 60 năm tuổi Đảng.
Thầy không ra đi, đó là tâm niệm của chúng tôi. Tổ quốc ghi công thầy bằng những huân chương, huy chương. trong mỗi chúng tôi, thầy là một người thầy, giản dị mà cao cả. Một người thầy đã truyền dạy cho chúng tôi không chỉ kiến thức mà còn là lối sống ân nghĩa, ân tình. Khi thầy Bùi Mạnh Nhị đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, thầy đã tặng người học trò yêu mến mấy vần thơ xúc động: “Nhị đi thầy chúc đỗ ông nghè. Đỗ ông nghè nhưng tổng chẳng đe. Nhưng trái tim thầy rồi sẽ trống. Nhị đi thơ lạnh lấy gì che?” Thầy ơi, giờ khoảng trống trong lòng chúng con, thơ chúng con lấy gì che chắn? Thầy không ra đi… bởi có rất nhiều thế hệ học trò đang tiếp bước theo thầy, đang sống tiếp, làm tiếp những gì thầy còn dang dở. Thầy không ra đi bởi tâm hồn thầy đã hòa vào tâm hồn của rất nhiều thế hệ học trò dân tộc Việt Nam.
Xin được đặt lên mộ thầy tôi một nhành lan, một loài hoa mà Khổng Phu Tử rất tôn vinh và yêu thích, với lòng mong mỏi thầy cũng sẽ trở thành vị “Vạn thế sư biểu” như những bậc tiền nhân.
TS ĐINH PHAN CẨM VÂN
(Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM)