Ngay vào đầu năm học, lớp 9C của chúng tôi có thêm một thành viên mới. Thành viên này thuộc loại đặc biệt. Nó về lớp tôi là do nhà trường thực hiện chương trình “Giáo dục hòa nhập” đối với những người khuyết tật.
Theo lời cô hiệu trưởng thì nó học giỏi cả tự nhiên và xã hội, nhưng vượt trội vẫn là các môn toán, lý, hóa. Chỉ cần bằng ấy thông tin là cả lớp tôi đã chào đón thành viên mới của mình một cách hào hứng. Đầu buổi học, lớp tôi cử bốn bạn vừa dìu nó vừa khiêng chiếc xe lăn gửi vào phòng bảo vệ. Nó bước vào lớp với từng bước khó nhọc và ánh mắt nhìn đầy mặc cảm. Cô chủ nhiệm tuyên bố trước lớp, nó được miễn tất cả các hoạt động nặng như trực nhật, lao động và những giờ học của môn thể dục. Những giờ ấy, nó được chúng tôi giao cho việc ngồi lại trong lớp coi đồ. Nhiều lần tôi đã bắt gặp nó ngồi lặng lẽ hướng ánh mắt thèm khát về phía chúng tôi đang vừa làm, vừa chạy nhảy, hò hét trêu chọc nhau.
Những lần học sau, tôi đã mang đến cho nó cả một đống truyện tranh, thứ mà nhiều đứa chúng tôi rất “nghiền” nhưng tôi vẫn đọc được sự cô đơn trong ánh mắt nó lúc nào cũng nhìn xuống. Có lần, đi học sớm để trực nhật, tôi gặp nó đang bò lên cầu thang để vào lớp, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nó. Tôi vội vã chạy đến ôm lấy nó vừa ghé vai dìu nó lên từng bậc vừa vô tình trách:
- Làm sao cậu không chờ bọn tớ đến đã?
Lúc ấy nó không thể nói gì mà chỉ cố sức cùng tôi nhích dần lên từng bước một. Hai tay nó bám hờ vào vai tôi. Thi thoảng lại có một giọt nước rớt xuống nền xi măng khô kêu xèo xèo như có giọt nước nhỏ chảy vào mỡ nóng. Tôi tưởng đấy là những giọt mồ hôi của nó vì chính tôi cũng ròng ròng mồ hôi trên mặt khi chúng tôi vào đến cửa lớp. Mãi sau này tôi mới biết lúc ấy cũng như rất nhiều lần rồi, nó đã khóc vì tủi thân, vì sự bất lực và còn vì không ai có thể đem lại niềm tin cho nó.
Kết thúc học kỳ 1, cô giáo thể dục của chúng tôi chuyển đi trường khác. Chúng tôi có thầy giáo mới về dạy thay. Ngay tiết học đầu tiên thầy đã tuyên bố với thái độ hết sức lạnh lùng: “Giờ của thầy sẽ không có ai được miễn. Chúng ta sẽ tập tùy theo sức khỏe của từng người, mong các em cố gắng!”. Như mọi khi, cả lớp kéo nhau ra sân tập thể dục để lại mình nó trong lớp với nhiệm vụ coi đồ. Đã quen với “nhiệm vụ” của mình, nó lôi cuốn sách trong ngăn bàn ra lặng lẽ đọc. Là người cuối cùng ra khỏi lớp, thầy gọi:
- Lớp trưởng đâu? Thầy đã nói rồi. Giờ thể dục của thầy không ai được miễn!
Tôi thưa:
- Thưa thầy! Lớp em có bạn Miên...
- Thầy biết! Nào, em lại đây. Thầy trò ta giúp bạn xuống sân cùng học với các bạn.
Cả tôi lẫn nó nhìn thầy vừa ngạc nhiên vừa sợ. Xuống sân, thầy yêu cầu chúng tôi lấy xe lăn đến cho nó. Từ hôm ấy, giờ học thể dục, chúng tôi chạy bằng đôi chân, còn Miên “chạy” trên xe lăn trong tiếng hò reo động viên của cả lớp. Sân thể dục phía sau nhà hiệu bộ nên khi nghe tiếng chúng tôi reo hò đã có nhiều khuôn mặt nhìn ra qua ô cửa sổ.
Một thoáng ngạc nhiên hiện lên những gương mặt dõi theo chiếc xe lăn ngoài sân thể dục rồi sau đó là những nụ cười rạng rỡ, khích lệ nhưng cũng có những gương mặt cau có khuất ngay sau cánh cửa sổ khép vội. Thầy thể dục ra hiệu cho chúng tôi giữ trật tự, nhưng nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm trán Miên, chúng tôi lại hò: “Miên ơi! Cố lên!”. Một vòng quay cuối cùng của bánh xe. Miên đã về đến đích. Thầy giáo xem đồng hồ và khen: “Khá lắm”. Chúng tôi vây quanh Miên. Nó cười ngượng nghịu và mắt nó dân dấn nước. Việc “chạy” trên xe lăn trong giờ thể dục thế này với nó chẳng thấm thía gì.
Gần một năm nay được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng cho chiếc xe lăn, Miên đã rong ruổi khắp ngõ ngách thị xã để bán bánh mì kiếm tiền phụ thêm với mẹ. Ngày mưa cũng như ngày nắng, ngoài giờ học ở trường là nó đến lò bánh mì để nhận bánh đem đi bán. Còn hôn nay, thầy thể dục đã nhen nhóm một niềm tin trong nó. Bạn bè cùng lớp đã nhìn nó khác hơn. Miên nhìn thầy giáo, nhìn chúng tôi với ánh mắt long lanh.
Một thời gian sau, chúng tôi ngạc nhiên và sung sướng hét đến lạc cả giọng khi nghe nhà trường thông báo Miên được lên tỉnh tập huấn để đi dự giải Para Games, giải thể thao của những người khuyết tật. Lần dự giải ấy, tuy Miên không có huy chương nhưng cả nó và chúng tôi đều tin rằng Para Games lần sau sẽ khác!
HOÀNG PHƯƠNG NHÂM