Thầy thuốc ưu tú, Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình: Cả đời tận tụy với ngành y

Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình (đội nón) về thăm khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, người bạn cùng lớp, cùng trường, cùng chí hướng.
Thầy thuốc ưu tú, Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình: Cả đời tận tụy với ngành y

Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình (đội nón) về thăm khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, người bạn cùng lớp, cùng trường, cùng chí hướng.

Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình (đội nón, giữa)

Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình (đội nón, giữa)

1. Là người lính đã trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ khắp chiến trường miền Nam, từ một chiến sĩ của những ngày chiến đấu gian khổ, qua năm tháng chiến tranh được phong quân hàm đại tá, bấy nhiêu thôi cũng đủ cho vị Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình có quá nhiều kinh nghiệm thực tiễn về điều trị cho thương bệnh binh trong chiến tranh. Để rồi ngày thống nhất đất nước, dù bận rộn với trọng trách là Giám đốc Bệnh viện 115 kiêm Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TPHCM nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình còn phụ trách giảng dạy vừa lý thuyết và thực hành về môn phẫu thuật thực hành và ngoại khoa dã chiến các lớp đại học và sau đại học y khoa. Ông còn tham gia những ca phẫu thuật khó theo lịch kế hoạch tuần, những bệnh nhân cấp cứu trong ngày và đêm.

Dẫu bận rộn là vậy, nhưng Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình vẫn dành thời gian đúc kết những kết quả mà trong chiến tranh ông đã xử lý thành công về điều trị các thương bệnh binh. Đó là những thành quả đã phải trả bằng máu, cái giá quá đắt trong chiến tranh mới có được, mà để những kết quả quý giá đó mai một là có tội, đặc biệt là với ngành y. Từ đó ông đúc kết lại thành hệ thống và nâng cao thành những nghiên cứu khoa học. Đó là: 1- Vết thương chiến tranh dây thần kinh và phương pháp điều trị. 2- Vết thương chiến tranh mạch máu và điều trị khâu mạch máu. 3- Phương pháp chẩn đoán và xử trí sỏi mật. 4- Bệnh thalassemie hướng dẫn phương pháp chẩn đoán phẫu thuật cường lách ở trẻ em. 5- Ghép thận thực nghiệm.

Điều đáng ghi nhận đối với Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình là giá trị của những nghiên cứu khoa học của ông, góp phần không nhỏ cho tiến bộ của nền y khoa Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu khâu mạch máu lần đầu tiên thành công tại chiến trường miền Nam; phương pháp xử trí tốt các vết thương mạch máu, hạn chế gây thương vong và tàn phế cho thương binh.

Đặc biệt đề tài nghiên cứu khoa học “Ghép thận thực nghiệm” đã trở thành nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Học viện Quân Y chủ quản, Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình làm Chủ nhiệm chi nhánh đề tài. Kết quả của nghiên cứu này là nhằm phát triển khoa học kỹ thuật cho nhiều chuyên khoa và phát huy tác dụng của Trung tâm Thận nhân tạo được Hội Thận học - Tiết niệu Pháp viện trợ cho Bệnh viện Nhân dân 115. Vấn đề ghép thận để điều trị bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối đã trở thành hiện thực tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện 115 nói riêng. Ông vinh dự được lãnh giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ công trình ghép thận thực nghiệm.

2. Vào những ngày đầu năm 1989 cũng là một trong những ngày không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động y khoa của Thầy thuốc ưu tú Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình. Ông nhận trọng trách Giám đốc Bệnh viện 115, là một bệnh viện quân đội chuyển sang dân sự, khi mà cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đến đội ngũ cán bộ công nhân viên… tất cả như không có gì, bắt đầu từ số không. Vậy mà Bệnh viện Nhân dân 115 phải đảm bảo các nhiệm vụ là: Khám bệnh, điều trị cho nhân dân thành phố và các tỉnh lân cận. Nghiên cứu khoa học ứng dụng kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Phối hợp với Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế TP, thực hiện công tác đào tạo sau đại học, đại học và trung học. Đặc biệt là tổ chức công tác tuyến giúp quận, huyện, xã chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…

Những ngày đầu với nhiệm vụ mới, đứng trước cơ sở vật chất của Bệnh viện 115, nhà cửa rách nát tan hoang, có nơi cỏ mọc lên tới nóc nhà. Nhiều người cộng sự với ông nghĩ rằng chắc khó thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề được giao. Nhưng với Thầy thuốc ưu tú Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình, người đầy tâm huyết với nghề nghiệp, với truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn, bền bỉ, quyết tâm không hề lùi bước, ông bắt tay vào nhiệm vụ mới cũng như ngày xưa ông đã từng xông pha trong chiến trận. Trước tiên ổn định cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, mạnh dạn đưa nhiều cán bộ trẻ đi bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ, nâng cao tay nghề, kể cả việc cử người đi học nước ngoài đảm bảo khả năng sử dụng những trang thiết bị hiện đại.

Ngoài ra, ông còn liên kết với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện bên Pháp sang hợp tác, nâng cao chất lượng điều trị bệnh. Thầy thuốc ưu tú Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình cùng những cộng sự của mình đã lèo lái Bệnh viện 115, từ bước khởi đầu khá khó khăn và sau 14 năm, Bệnh viện Nhân dân 115 được công nhận là bệnh viện loại 1 trong hệ thống bệnh viện đa khoa tại TPHCM.

3. Tháng 6-1998 Thầy thuốc ưu tú Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình nghỉ hưu, đến nay đã 15 năm. Nhưng mọi người vẫn trân trọng khi nói về Thầy thuốc ưu tú Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình, bởi tấm lòng nhân hậu, yêu thương người nghèo của vị bác sĩ già 82 tuổi. Luôn là tấm gương mẫu mực về người thầy thuốc lương y như từ mẫu, người thầy giáo hết lòng với học trò của mình. Những năm gần đây, trên những nẻo đường đất nước, bước chân của người bác sĩ một đời tận tụy với ngành y, sau khi nghỉ hưu ông không nghỉ ngơi hưởng nhàn mà vẫn dặm dài sương gió, lặn lội đến với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó ở vùng sâu vùng xa.

Với tư cách là Phó Trưởng đoàn bác sĩ tình nguyện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phía Nam, Trưởng đoàn bác sĩ tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM, góp phần chăm lo sức khỏe cho nhân dân nghèo, diện chính sách, hậu quả sau chiến tranh. Tấm lòng nhân hậu và uy tín nghề nghiệp của Thầy thuốc ưu tú Đại tá bác sĩ Nguyễn Quốc Bình, đã lãnh đạo Đoàn thầy thuốc tình nguyện, tập hợp được đội ngũ cán bộ chuyên môn hơn 200 hội viên gồm có giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng tham gia hoạt động y tế nhân đạo.

Bây giờ với quá trình 50 tuổi Đảng, là Trưởng đoàn bác sĩ Tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM, ông thấy vui và yêu đời hơn, vì ông vẫn tiếp tục hoạt động trong ngành y, làm việc thiện. Có gì vui bằng khi gia đình ông được tuyên dương là “gia đình ngành y truyền thống” (gia đình có 5 bác sĩ đồng thời là 5 đảng viên). Điều ông mong muốn là Đoàn Thầy thuốc tình nguyện Chữ Thập đỏ TPHCM luôn phát huy tâm đức trên con đường chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo khắp mọi miền đất nước..

Ngân Minh

Tin cùng chuyên mục