Ngăn chặn hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế: Sửa đổi, bổ sung quy định để tăng cường cơ chế xử lý vi phạm

Hàng gian, hàng giả cũng như các vi phạm trong lĩnh vực y tế diễn biến ngày càng tinh vi, có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, uy tín ngành y tế và gây bức xúc trong dư luận. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần những giải pháp triệt để, căn cơ, thậm chí sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, “bịt” các lỗ hổng chính sách. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ảnh) xung quanh vấn đề “nóng” này.

- PHÓNG VIÊN: Nửa đầu năm 2025, liên tiếp các đường dây sản xuất thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng (TPCN) giả bị phát hiện và triệt phá ở nhiều địa phương. Ông đánh giá trách nhiệm của ngành y tế và của địa phương trong các vụ việc này như thế nào?

!4d.jpg

- Thứ trưởng Bộ Y tế ĐỖ XUÂN TUYÊN: Trong nhiều vụ việc, Bộ Y tế đã chỉ đạo cụ thể, yêu cầu các sở y tế phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường để xác minh, xử lý kịp thời. Điển hình là vụ việc tại Thanh Hóa (nơi phát hiện đường dây sản xuất thuốc giả vừa qua) đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và triệt phá thành công. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp liên ngành hiệu quả và kịp thời. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đặc biệt coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát từ cơ sở. Chỉ khi chính quyền cấp xã, phường và lực lượng y tế tuyến dưới chủ động kiểm tra, giám sát thì mới có thể phát hiện sớm các hành vi vi phạm, từ đó xử lý dứt điểm và không để hình thành đường dây buôn bán thuốc giả, TPCN giả trên địa bàn.

- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện vi phạm của cơ sở kinh doanh thuốc, TPCN chỉ dừng ở thu hồi sản phẩm vi phạm, chưa truy quét tận cùng; doanh nghiệp kiểm tra thì được thông báo trước nên có sự phòng bị. Ý kiến của ông như thế nào?

- Thực tế cho thấy, việc kiểm tra có báo trước chỉ phù hợp trong một số trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, có tổ chức, việc kiểm tra đột xuất là công cụ hữu hiệu nhất để phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở vi phạm chỉ bị xử phạt với số tiền còn thấp, trong khi giá trị vi phạm thực tế và hệ lụy gây ra lớn hơn nhiều. Do đó, Bộ Y tế đang phối hợp sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tăng nặng chế tài xử phạt, áp dụng xử lý hình sự nếu có đủ căn cứ. Chúng tôi khẳng định, các cán bộ, công chức tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật và quy tắc đạo đức công vụ.

!1h.jpg
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc ở TPHCM. Ảnh: Mỹ Huyền

- Riêng về TPCN, thời gian qua ghi nhận nhiều bất ổn, chất lượng sản phẩm “thượng vàng hạ cám”, hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả tràn lan trên thị trường. Liệu rằng có sự buông lỏng quản lý, bất cập trong cơ chế hay nguyên nhân nào khác dẫn đến tình trạng trên, thưa ông?

- Lĩnh vực TPCN hiện nay đang chịu nhiều thách thức trong quản lý, nhất là khi chính sách tự công bố sản phẩm đã tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không phải nộp hồ sơ thẩm định để công bố sản phẩm sơ sài, thậm chí sai lệch hoàn toàn với thực tế sản xuất. Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng: bắt buộc thẩm định đối với một số nhóm sản phẩm có nguy cơ cao; kiểm soát chặt chẽ quy trình tự công bố; yêu cầu doanh nghiệp minh bạch sản phẩm ngay từ khâu công bố, sản xuất, lưu hành và quảng cáo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là các trường hợp mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

- TPCN thuộc phạm vi, chức năng của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Hiện nay, mô hình quản lý ATTP khác nhau ở các tỉnh, thành phố có ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này?

!4e.jpg
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc ở TPHCM. Ảnh: Mỹ Huyền

- Thực tế hiện nay, các địa phương đang áp dụng các mô hình quản lý ATTP khác nhau, dẫn tới sự thiếu thống nhất và khó khăn trong phối hợp. Một số nơi có Ban Quản lý ATTP độc lập, nhưng một số khác lại phân tán giữa các sở, ngành, gây chồng chéo nhiệm vụ. Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Y tế đang hoàn thiện hai dự thảo nghị nhằm định quy định cụ thể phân quyền quản lý theo cấp hành chính; hướng dẫn rõ về tổ chức mô hình bộ máy quản lý của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Mục tiêu là đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tăng hiệu quả triển khai nhiệm vụ, tránh buông lỏng và làm rõ trách nhiệm quản lý. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý ATTP tại địa phương để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá hàng năm.

- Bộ Y tế sẽ triển khai các giải pháp gì để kiểm soát chất lượng thuốc, ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, trong khi tuyến tỉnh vẫn bị hạn chế về năng lực kiểm nghiệm?

- Công tác kiểm nghiệm và đảm bảo chất lượng thuốc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành y tế. Hiện nay, khoảng 30% hoạt chất chưa thể kiểm nghiệm được tại tuyến tỉnh. Do đó, Bộ Y tế đang thúc đẩy đầu tư cho hệ thống trung tâm kiểm nghiệm, bổ sung máy móc hiện đại và đào tạo chuyên môn, nâng cấp toàn diện từ Trung ương đến địa phương.

Ông NGUYỄN QUANG HUY, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM:

Cảnh báo thủ đoạn trộn thuốc thật với thuốc giả

Trong năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 178 vụ vi phạm đối với tân dược, tạm giữ 262.158 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng, xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Đối với thực phẩm chức năng, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 38 vụ vi phạm, tạm giữ 18.709 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hơn 835 triệu đồng, xử phạt 786 triệu đồng. Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy một thủ đoạn mới và đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng là trộn lẫn thuốc thật với thuốc giả trước khi bán ra thị trường, nhằm “đánh lừa” cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, đồng thời tạo lòng tin ban đầu ở người tiêu dùng. Các đối tượng tự đặt tên thuốc và tên công ty sản xuất (phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài) rồi quảng cáo là “hàng xách tay” thông qua mạng xã hội, dưới vỏ bọc là nhân viên, dược sĩ của các công ty dược.

Thực tế, việc kiểm soát, ngăn chặn hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế phải đối mặt với thách thức đến từ nhiều phía: một số nội dung tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tế, tốc độ phát triển của thương mại điện tử, mạng xã hội và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế ở một bộ phận doanh nghiệp, người dân. Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện - đó cũng là thách thức không nhỏ. Bộ Y tế đã và đang xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý bằng công nghệ số, trong đó tích hợp dữ liệu dược, TPCN, quảng cáo và khiếu nại của người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để tăng cường cơ chế xử lý vi phạm, cả về hành chính và hình sự.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, cần có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát động phong trào toàn dân tố giác hàng giả, không tiếp tay cho sản phẩm không rõ nguồn gốc và tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Mỗi năm, Việt Nam chỉ kiểm nghiệm 40.000 mẫu thuốc

Tại hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn?” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 26-5, TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, do nguồn lực hạn chế nên mỗi năm ngành y tế chỉ lấy mẫu kiểm tra chất lượng khoảng 40.000 mẫu thuốc. Việc lấy mẫu hiện nay theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào sản phẩm nhiều nguy cơ biến đổi chất lượng chứ chưa thể lấy mẫu toàn bộ thuốc lưu hành.

Mỗi năm, kinh phí cho công tác kiểm tra chất lượng của toàn hệ thống (gồm 3 viện kiểm nghiệm tuyến trung ương và 62 trung tâm tuyến tỉnh, thành phố) từ 250-300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc gặp khó khăn vì thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa đồng bộ về năng lực, nhân lực mỏng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc trên thị trường.

MINH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục