Hình tượng

Thầy và trò

Thầy và trò

Nếu khắt khe mà nhìn nhận thì sáng tác về thầy cô và học sinh của chúng ta là quá ít! Văn nghệ sĩ chúng ta đều phải học. Có học, nghĩa là chúng ta phải có thầy cô. Hình như đó là lẽ tự nhiên như con sinh ra phải có cha mẹ. Nhưng quả thật… nhà giáo và học sinh không phải được đề cập nhiều, chí ít trong đời sống văn học nghệ thuật hiện đại.

Thầy và trò ảnh 1
Hoa tặng cô mừng ngày 20-11. Ảnh: Mai Hải

Trong văn học, chúng ta có thể kể một tiểu thuyết “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao viết trước Cách mạng Tháng Tám 1945… Về ca nhạc, thể loại phổ biến và sôi động nhất, sáng tác cũng không nhiều. Chúng ta thử nhớ… Ấy là “Trên những nẻo đường của Tổ quốc thân yêu. Có những lời ca… có những loài hoa… đẹp như em…” (“Người giáo viên nhân dân” của Hoàng Vân).

Ấy là “Mùa xuân ai đi hái hoa. Còn em đi nuôi dạy trẻ. Em cứ yêu thương… Những đôi môi đỏ, những đôi mắt tròn. Em yêu từng đôi mắt sáng. Long lanh như những giọt sương…” (“Cô đi nuôi dạy trẻ” - Nguyễn Văn Tý). Ấy là “Nhìn bầu trời trong xanh lung linh, nắng tím cành hoa xoan long lanh. Rộn ràng chân bước tới lớp có các em nhỏ quàng khăn…”… (“Quà tháng Năm dâng Bác” - Hồng Đăng). Ấy là “Pháo anh lên đồi cao, giã vào đầu giặc Mỹ. Giáo án em vẫn mở cho ánh trăng bay vào”… (“Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu). Ấy là “Ai hỏi cháu, cháu học trường nào đấy”… (“Trường của cháu là trường Mầm Non” - Phạm Tuyên). Ấy là “Bé lên ba, bé vô mẫu giáo, cô thương bé vì bé không khóc nhè…” (“Bé lên ba” - Phạm Minh Tuấn). Ấy là “Nay mai lớn nên người. Làm sao có thể nào quên. Ngày xưa thầy dạy dỗ. Cho em bài học hay”… (“Bụi phấn” - nhạc Vũ Hoàng, thơ Lê Văn Lộc)…

Nói chung, văn nghệ sĩ nào cũng có sáng tác về thầy cô về học trò. Nhưng để tạo thành một vệt, mà chúng ta vẫn gọi là dòng văn nghệ ngành nghề đáng tự hào, thì còn là đòi hỏi lớn.

Trở lại câu hỏi tại sao chúng ta chưa có nhiều tác phẩm lớn, hay về thầy cô giáo, về học sinh sinh viên… có thể do sự khiêm nhường, hy sinh của các thế hệ “trồng người”, cũng có thể do đó là trách nhiệm đương nhiên trong cuộc sống… Nhưng bao trùm lên các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn là sự đề cao, tôn vinh nhà giáo.

TRẢNG SA

Tin cùng chuyên mục