Phan Hoàng Thái Châu, nữ sinh viên năm 3 Trường Đại học RMIT Việt Nam, vừa sáng tạo ra công cụ “Thẻ chính tả cho trẻ mắc chứng khó đọc”. Đây là một dự án được đánh giá cao trong đêm trao giải sáng tạo RMIT Việt Nam.
Tình cờ xem một bộ phim có nhân vật chính bị chứng bệnh này, Phan Hoàng Thái Châu thấy đồng cảm với nhân vật, khi một việc mà mình có thể dễ dàng thực hiện lại là một cực hình với những người mắc chứng bệnh khó đọc.... Em quyết định tìm hiểu về căn bệnh này, tìm đọc các tài liệu, xem video để có thể hiểu được đúng và cụ thể về bệnh, những cách thức nước ngoài đã áp dụng để giúp đỡ những người mắc chứng bệnh này, thực hiện sự liên kết giữa hình ảnh với từ ngữ và sáng tạo ra thẻ đánh vần cho trẻ mắc chứng khó đọc. Thái Châu mong muốn đây sẽ là công cụ được thiết kế để trợ giúp trẻ em bị chứng khó đọc, giúp các bậc cha mẹ dù không có khả năng về tài chính vẫn có thể cung cấp cách điều trị phù hợp cho con cái.
Người dùng trải nghiệm Thẻ chính tả cho người mắc chứng khó đọc
Những chiếc thẻ chính tả khi được kết hợp với công nghệ Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality) và Thực tế ảo (Virtual Reality) sẽ giúp trẻ mắc chứng khó đọc học và trau dồi từ vựng ở nhà. Những chiếc thẻ được gọi là “trackers” khi kết hợp với phần mềm Augment (có thể download trên app store), người dùng có thể scan những trackers đó và thấy mô hình 3D hiện ra qua màn hình điện thoại hay máy tính bảng, và dùng hình dạng của những chữ cái trong từ để tạo nên mô hình 3D có chủ đề xoay quanh liên quan đến từ đó. Với hình ảnh ngộ nghĩnh bắt mắt, công cụ này giúp trẻ có hứng thú trong việc sử dụng và phụ huynh có thể cùng học với con mình. Dự án hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia, sau khi thử nghiệm và đạt được kết quả tốt từ những phụ huynh có con em bị mắc chứng khó đọc.
Thẻ chính tả cho trẻ mắc chứng khó đọc được xem như một công cụ giúp trẻ cũng như phụ huynh giải quyết những khó khăn về đọc chữ của trẻ và kỳ vọng đây sẽ là một sáng tạo hữu ích cho cộng đồng.
| |
THÀNH SƠN