Thế đứng cân bằng, vững chãi để phát triển TPHCM

Tính đến thời điểm này, tổng thu ngân sách của TPHCM là 392.790 tỷ đồng, đạt hơn 101%, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một trong những trọng trách đã hoàn thành, song tại phiên họp kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, giải pháp cho 2 tháng cuối năm của UBND TPHCM vào chiều 1-11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế quý 4 sụt giảm, mục tiêu thu ngân sách 2023 (chỉ tiêu Quốc hội giao cho TPHCM là 469.000 tỷ đồng) là một nhiệm vụ lớn. Do đó, thành phố cần đánh giá đúng tình hình để có giải pháp phù hợp”.

Rõ ràng, với những diễn biến liên quan đến thị trường xăng dầu và tình huống của ngành tài chính - ngân hàng, bức tranh kinh tế - xã hội TPHCM thêm thách thức, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều để vượt qua. Dù đã dự báo chính xác những khó khăn, thách thức toàn cảnh - toàn cầu từ khá sớm, song “sức khỏe” kinh tế chuyển giao từ quý 3 qua quý 4 cho thấy mức suy giảm toàn cục: công nghiệp đi xuống, 2 ngành có tích cực vẫn chỉ có cao su nhựa và thực phẩm; du lịch chủ yếu dựa vào lượng khách quốc tế nhưng thấp hơn kỳ vọng, tổng lượng khách du lịch quốc tế chỉ đạt hơn 2 triệu lượt trong khi trước dịch là 8,5 triệu lượt; tiêu dùng tăng nhẹ, hơn 1%; tỷ lệ tín dụng vẫn như cũ, tăng nhỏ giọt, FDI vẫn duy trì mức… không tăng.

Do đó, tiềm lực để chuẩn bị, tính toán cho mục tiêu, kịch bản, đối sách và chính sách năm 2023 là hết sức khó khăn. Kinh tế thế giới đã và sẽ đối diện với những cuộc khủng hoảng kéo dài, lạm phát cao đi kèm suy thoái là không thể tránh khỏi. Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động kinh tế chưa thật sự phục hồi sau 2 năm chống dịch, nay lại đối đầu với những tình huống “nóng”, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lẫn nguồn lực.

Thực tiễn đang có nhiều thách thức, trong đó có việc phải ứng phó với việc tăng lãi suất từ ngân hàng Trung ương các nước buộc Chính phủ phải thúc đẩy chính sách hỗ trợ tỷ giá, dự trữ ngoại hối giảm nhanh trong thời gian qua, đến áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. 

Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, xu hướng mang tính toàn cầu đang diễn ra khi các tập đoàn đa quốc gia có chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi giá trị sản xuất. Vì vậy, đây là một cơ hội cho TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam “tái định vị” lại chuỗi sản xuất của mình.

Tuy vậy, trước khi xu hướng trở thành xu thế thì một hiện tượng khác đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ quý 2, đó là việc giảm đơn hàng sản xuất. Gần cuối năm, do tình hình sản xuất của chuỗi toàn cầu cắt giảm đơn hàng, nhiều nhà máy, xí nghiệp ở quận Bình Tân (TPHCM), hay Bình Dương, Đồng Nai, Long An... phải cắt giảm nhân công, lao động. Việc cắt giảm này dự kiến tăng trong thời gian tới. Tình hình cuối năm và gần tết là thời điểm nhạy cảm cho công nhân lao động (đa phần từ các tỉnh lên) nếu không có việc làm, lương thưởng. Đây vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề an sinh xã hội. 

Trong các thảo luận chính sách gần đây, đặc biệt trên diễn đàn Quốc hội, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đang được đưa lên hàng đầu. Dữ liệu về hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, cán cân thanh toán hiện nay và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cho thấy đang có nhiều “rủi ro” trong việc thực thi, điều hành chính sách hướng tới một kịch bản tăng tốc trong năm sau. Tìm một điểm cân bằng để tạo thế đứng vững chãi và ổn định trong bối cảnh biến động của thế giới là một ưu tiên chiến lược trong lựa chọn chính sách phát triển của thành phố; không những cuối năm 2022 mà còn cho năm 2023 và những năm kế tiếp.

Tin cùng chuyên mục