Thế giới còn lâu mới “phẳng”

Thế giới còn lâu mới “phẳng”

Tôi tin rằng bất kỳ ai sau khi gấp lại quyển The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-First Century  của Thomas L. Friedman cũng thừa nhận rằng thế giới chưa phẳng, trừ những người có quá ít thông tin về hiện tượng toàn cầu hóa đã vội vàng và hớn hở có “niềm tin” khi cho rằng The World Is Flat  đáng là một quyển sách gối đầu giường, đặc biệt những người chưa từng đọc một quyển toàn cầu hóa khác của Friedman thú vị hơn nhiều (The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization).Trong The World Is Flat, Thomas L. Friedman đã đẩy ông đi quá xa và ép mình quá nhiều để thuyết phục độc giả khi cố chứng minh thế giới đang phẳng...

Thế giới còn lâu mới “phẳng” ảnh 1

Thomas L. Friedman

1. Tổng thể, The World Is Flat là một quyển sách nghiên cứu tuyệt vời. Nó kiến giải hiện tượng toàn cầu hóa ở lăng kính trực nghiệm tai nghe mắt thấy của một nhà báo chép sử đương đại. Friedman làm việc rất khoa học. Mọi dẫn giải đều là tổng hợp của những sự kiện, chứng minh và bình luận. Friedman cho rằng thế giới đang biến từ tròn thành phẳng ở trường hợp điển hình outsourcing (thuê làm bên ngoài) với vô số ví dụ trong đó có việc Ấn Độ nhận thầu làm nhiều dịch vụ cho Mỹ.

Friedman có lý về trường hợp chuỗi cung, bằng ví dụ chuỗi cung hoạt động hiệu quả của Wal-Mart, UPS, Dell… Friedman tin rằng trong một thế giới thay đổi từng phút như hiện nay, kẻ đi nhanh luôn xơi tái kẻ đi chậm. Ông tin tưởng rằng thế giới đang chuyển từ hệ thống tạo giá trị theo chiều dọc từ trên xuống (chỉ huy và kiểm soát) sang hệ thống giá trị theo chiều ngang (kết nối và hợp tác), xảy ra đồng thời với việc nhiều rào cản được dỡ bỏ, khiến ảnh hưởng từ tập quán của người dân đến bản sắc chính trị quốc gia. Và ông cũng đúng khi cho rằng càng nhận thức kém về toàn cầu hóa, một cá nhân hoặc một thể chế càng chắc chắn phải trả giá bởi sự chậm chạp trong hội nhập và kết nối…

Friedman đã đúng và ông sẽ đúng hơn nếu đừng tiếp tục đi xa trong chuỗi miên man lập luận. Nói cách khác, Friedman đã đúng khi tường thuật hiện tượng nhưng ông chưa đúng khi mổ xẻ bản chất hiện tượng. Tự xem là một Christopher Columbus nhưng không phải lên đường nhằm chứng minh thế giới tròn như thời “Toàn cầu phiên bản 1.0”, mà là (chứng minh) thế giới phẳng như thời “Toàn cầu 3.0” hiện nay, Friedman đã đến những điểm nóng của chuyển dịch theo lực hút toàn cầu hóa, đặc biệt Ấn Độ và Trung Quốc, để tìm dấu hiệu của sự phẳng (xin mở ngoặc, Columbus không phải là người chứng minh thế giới tròn như Friedman hiểu nhầm mà thật ra là Ferdinand Magellan!). Ông rút ra kết luận: Thế giới đang được làm phẳng bởi 10 sức mạnh (“10 forces that flattened the world”), từ sự kiện đập bức tường Berlin đến sự bùng nổ kỷ nguyên thông tin với các phương tiện-công cụ giúp làm phẳng thế giới (Internet băng thông rộng, công cụ tìm kiếm Yahoo/Google, kỹ thuật truyền dẫn không dây, mã nguồn mở…).

2. Tuy nhiên, Friedman đã quá thiên về yếu tố kỹ thuật để chứng minh lẫn kỳ vọng về một thế giới phẳng. Chỉ tin rằng nếu tất cả mọi hộ dân trên thế giới được lắp Internet băng thông rộng thì thế giới không còn tròn là một tư duy phiếm diện. Thế giới phẳng hay không còn tùy thuộc vào chính sách và sự vận hành hiệu quả của chính sách trong thiện chí kết nối và hội nhập. Kỹ thuật sẽ rất ít có khả năng sản sinh ra chính sách, trong khi chính yếu tố chính sách mới có thể tạo điều kiện để kỹ thuật phát triển – đó là điều chắc chắn.

Friedman cũng rất đơn giản trong lý giải địa chính trị trong một thế giới phẳng. Với Lý thuyết ngăn ngừa xung đột Dell (Dell Theory of Conflict Prevention), Friedman cho rằng hai quốc gia nào nằm trong chuỗi cung của hãng máy tính Dell cũng không thể lâm chiến bởi sợ ảnh hưởng quyền lợi kinh tế. Điều này chưa chắc đúng trong quá khứ lẫn tương lai. Lật lại tư liệu riêng, tôi đã thấy rằng lịch sử (thời “Toàn cầu 2.0” – như phân định của Friedman) từng chứng minh ngược lại.

Thập niên 1920, nhiều công ty Mỹ từng đầu tư mạnh vào Đức: IBM có chi nhánh tại Dehomag; General Motors mua Adam Opel AG (nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đức thời điểm đó); Ford hợp tác tại Cologne; Standard Oil làm ăn với IG Farben… Đầu thập niên 1930, nhiều công ty Mỹ khác (Du Pont, Union Carbide, Westinghouse, General Electric, Gilette, Goodrich, Singer, Eastman Kodak, Coca-Cola, ITT…) cũng có mặt ở Đức (xem historycooperative.org/journals/llt/51/pauwels.html; và Washington Post 30-11-1998). Hoạt động các công ty Mỹ tại Đức – rất lâu trước khi thế giới có thuật từ “outsourcing” – chẳng khác mấy mô hình chuỗi cung trong thế giới phẳng của Friedman nhưng rồi chẳng vì lý do quyền lợi kinh tế mà Mỹ nương tay Đức quốc xã!

Liên quan lý thuyết địa chính trị toàn cầu, Friedman còn bỏ qua một mô hình rất đáng được gọi là phẳng (trong nỗ lực làm phẳng bất thành!). Đó là Liên minh châu Âu (EU). Rất lâu trước kỷ nguyên Toàn cầu 3.0, người ta đã nghe đến hiện tượng “Mặt trời không bao giờ lặn ở đế chế Anh” (một mô hình phẳng, theo tư duy bá chủ thế giới, tương tự thời Thành Cát Tư Hãn); và cũng rất lâu trước khi Friedman phát hiện thế giới không còn tròn, Winston Churchill đã cổ súy cho một cộng đồng chung châu Âu.

Và trước thời Churchill, từng có một thị trường chung châu Âu nhộn nhịp, trong đó, người ta sử dụng một loại tiền tệ, có chung hệ thống chính trị và thậm chí dùng chung ngôn ngữ (tiếng Đức). Đó là Liên minh Hanseatic, hình thành từ thế kỷ 13-17 bởi giới thương nhân Đức, qui tụ các doanh nhân từ 200 thị trấn, từ Bergen thuộc duyên hải Biển Bắc ở Na Uy đến Novgorod thuộc Nga.

Các tay lái buôn Đức thiết kế mô hình Hanseatic nhằm lập hàng rào bảo hộ mậu dịch, hạn chế sự cạnh tranh từ giới thương nhân từ các vùng đất khác. Người ta còn thiết lập Nghị viện, gọi là Hansetag, với trung tâm đầu não nằm tại Lubeck – thành phố cảng đầu tiên của Đức ở Baltic, xây năm 1143. Hanseatic thịnh vượng nhờ hệ thống giao thông thuận lợi và ít tốn kém, đặc biệt kênh Elbe-Lubeck được đào từ năm 1391-1398 theo lệnh công tước Lauenburg. Kênh Elbe-Lubeck là đường tắt từ Baltic đến Biển Bắc, thay thế tuyến từ Lubeck đến Hamburg.

Nhờ Elbe-Lubeck, người ta đã thực hiện những chuyến hàng đầu tiên giữa Đông và Tây Âu. Nguyên liệu thô đến từ phía Đông: lúa mì và bột của Ba Lan, cá trích ướp muối của Baltic, gỗ và sắt của Thụy Điển, sáp đèn cầy và lông thú từ Nga. Đến từ phía Tây là muối, rượu và đồ gốm ở Rhineland, vải len của Anh… (xem National Geographic, 10-1994). Nói cách khác, một phần thế giới đã từng phẳng, hiểu theo khái niệm kết nối và liên thông, như biện giải Thomas L. Friedman, mà chẳng cần Internet băng thông rộng hoặc kỹ thuật truyền dẫn không dây…

Còn nữa, giải thích về địa chính trị toàn cầu thời thế giới phẳng với nhân tố khủng bố, Friedman tin rằng thế giới phẳng đã giúp “phát triển theo chiều ngang” chủ nghĩa khủng bố với tư tưởng thù hận phương Tây được truyền bá bởi Osama bin Laden. Đúng là thế giới phẳng đã giúp Bin Laden tuyên truyền và kích động “Thánh chiến” nhưng sự oán ghét phương Tây từng được các nhà tư tưởng Hồi giáo cực đoan xây dựng thành một học thuyết khá lâu trước khi Bin Laden cầm cờ tuyên bố “Thánh chiến.

3. Cuối cùng, tôi tin rằng hẳn Bill Gates đã cười khỉnh khi đọc The World Is Flat bởi 5 năm trước khi The World Is Flat ra mắt, Bill Gates – trong quyển Business @ the speed of thought – đã đưa ra ý tưởng dỡ bỏ rào cản để tạo ra một thế giới liên thông bằng công cụ số hóa (xem chương hai, sđd). Bill Gates cũng từng tiên đoán về “thế giới phẳng số hóa” khi viết: “Internet trong vài năm tới sẽ cung cấp cho hàng trăm triệu người sử dụng trên khắp thế giới mạng nối kết dung lượng cao, chẳng khác gì hệ thống truyền hình hiện nay. Điều này sẽ tạo ra các cuộc thay đổi trong từng xã hội và mối liên hệ trong từng xã hội.

Mỹ đã dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ này nhưng các nước tiến bộ nhanh như Singapore chẳng hạn chẳng bao lâu sẽ theo kịp. Các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hoặc Trung Quốc có khả năng hưởng lợi rất nhiều, bởi họ vừa có thể lôi kéo tài năng và trí tuệ của thế giới vừa tạo ra nguồn trí thức trong nước đủ sức tiếp cận thị trường thế giới. Kết quả sẽ đơn giản là một cuộc cách mạng, một viễn cảnh từng được miêu tả trong quyển sách của tôi The road ahead” (xem Asiaweek, 23-2-1996).
 
The World Is Flat là một thiên phóng sự xuất sắc về những câu chuyện đang diễn ra trên thế giới nhưng nó không là quyển sách đủ sức thuyết phục khi tác giả khiên cưỡng trong chứng minh “nó phải phẳng” hoặc “rồi sẽ phẳng hơn nữa”, dù chính ông cũng thừa nhận thế giới còn lâu mới phẳng. Viễn kiến về một thế giới trong đó “niềm tin” là “rất quan trọng” để tất cả vui vẻ hòa thuận bắt tay cùng nhau “làm phẳng” thế giới rõ ràng tỏ ra rất mơ hồ đối với một quyển sách nghiên cứu (phi hư cấu, non-fiction) như The World Is Flat.

Không chỉ mơ hồ, nó còn phi thực tế. Friedman-nhà báo là một người đáng nể; Friedman-nhà toàn cầu học là một người kiến giải uyên thâm nhưng Friedman-trở-thành-nhà-triết học e rằng hơi quá sức. Tôi cho rằng The World Is Flat tuyệt vời khi nó dừng lại ở góc độ một công trình nghiên cứu khoa học thực nghiệm (như Friedman từng thể hiện sự sắc sảo trong The Lexus and the Olive Tree) hơn là một tác phẩm triết học!

MẠNH KIM

Tin cùng chuyên mục