Khổ đường sắt 1.435mm được gọi là “đường khổ tiêu chuẩn”, đường khổ rộng là 1.524 mm và đường khổ hẹp là 1.000mm.
Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới có đường sắt đều dùng khổ đường 1.435mm. Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Trác, Giám đốc Xí nghiệp Tư vấn thiết kế công trình giao thông đường sắt, đường bộ thuộc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - chủ nhiệm đề tài, cho biết, sẽ sử dụng khổ đường 1.000mm là chủ yếu trong dự án xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn -Mỹ Tho vào năm 2008.
Năm 1881, thực dân Pháp đã khởi công xây dựng tuyến đường sắt nối Sài Gòn - Mỹ Tho có chiều dài 70km và có khổ đường ray là 1.000 mm. Sau năm 1954, chính quyền Miền Nam lúc bấy giờ có cân nhắc về tính hiệu quả của tuyến đường sắt này và đã đi đến quyết định là không sử dụng tuyến đường sắt này nữa. Thế nhưng, vào năm 2008 TPHCM sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Điều này đồng nghĩa với việc: Sau 127 năm, chúng ta lại xây dựng một tuyến đường sắt có khổ đường hẹp 1.000mm mà người đi trước đã quyết định bỏ không dùng nữa. Nếu triển khai tuyến đường sắt với khổ đường hẹp như nói ở trên thì ngành đường sắt của chúng ta sẽ tụt hậu, lẽo đẽo theo chân người ta đến bao giờ?
Cần phải chú ý rằng, nếu tốc độ lên tới 120km/ giờ (theo ông Trác) thì bán kính tối thiểu của đường cong Rmin = 1.200 mm theo điều kiện kỹ thuật Vmax = 3,5 R(m) (R là bán kính đường cong), việc giải tỏa, đền bù sẽ rất lớn.
Vấn đề giao cắt giữa đường sắt và đường bộ (đường bộ đi chui dưới đường sắt hoặc ở trên đường sắt) cũng cần phải được lưu tâm. Vì với tốc độ như hiện nay, trên tuyến đường sắt Thống Nhất, ở các điểm giao cắt bình diện (đường ngang) thì tai nạn giao thông xảy ra không ít. Cự ly hãm tàu khi gặp chướng ngại trên đường ngang (ô tô, mô tô, người…) hiện nay là 800, vậy với tốc độ Vmax= 120km/ giờ và tàu chạy tự động (nếu có) thì cự ly hãm tàu sẽ là bao nhiêu để đảm bảo an toàn. Cần nhớ rằng, mật độ giao thông miền Tây Nam bộ là rất lớn.
Theo ông Trác, vốn đầu tư cho tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là 7.000 tỷ đồng, chưa kể giá thành có thể tăng trong thời suốt thời gian thi công thì sau khi đưa vào khai thác, thử hỏi bao giờ công trình này mới có thể hoàn vốn?
Nguyễn Quang Dung
(B4 - K300 Cộng Hòa P.12 Q. Tân Bình)