Thế giới phẳng - Giã từ sự riêng tư

Tác giả Thomas L.Friedman là người rất nổi tiếng tại Việt Nam qua các tác phẩm của ông như Chiếc Lexus và cây Ôliu, Nóng phẳng chặt, Thế giới phẳng… đã kể một câu chuyện. Một lần đi công tác tại một nước châu Âu, trong khi xếp hàng chờ lên tàu điện ngầm bỗng có một phụ nữ chen vào hàng, giành chỗ của ông. Trong khi ông đang bối rối thì người phụ nữ đột nhiên quay lại nhìn ông và bảo: “Ồ, tôi biết ông là ai, ông là Friedman”, nói xong người phụ nữ này đưa điện thoại lên để chụp ảnh ông mà không hề nói thêm một tiếng nào nữa.

Bối rối, L.Friedman vội đưa tay che mặt và né tránh người phụ nữ đó. Tôi không muốn là người bất lịch sự, Friedman cho biết, nhưng tôi cũng không muốn một hình ảnh nào đấy của mình vài phút nữa sẽ xuất hiện khắp nơi trên mạng cùng vô số lời bàn luận. Tôi mong muốn ít nhất mình cũng có một chút riêng tư dù rằng điều đó có vẻ quá khó khăn.

Năm 2005, Thomas L.Friedman xuất bản cuốn Thế giới phẳng, tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông. Cuốn sách này làm ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy quan hệ quốc tế, thay đổi nhận thức của mọi người về cách thế giới vận hành. Bằng những minh chứng thực tiễn và đầy sinh động, Friedman đã thuyết phục chúng ta tin vào sự tồn tại của một thế giới phẳng mới, một thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé.

Năm 2014, Friedman cho ra phiên bản mới nhất của mình với nhiều chỉnh sửa trong đó nổi bật nhất là thêm vào hai chương mới, một chương nói về cơ hội thành công trong một thế giới siêu nhỏ và một chương tiếp theo có thể xem là phần bổ sung quan trọng nhất lần này, chương bàn về sự sụp đổ của quyền riêng tư trong một thế giới siêu liên kết như hiện nay.

Theo lời tác giả, điều này thực tế đã được ông đề cập đến trong bản gốc nhưng khi đó nó chỉ là một kết quả nhỏ bé của quá trình toàn cầu hóa, gần 10 năm sau, cái sự nhỏ bé năm ấy đã trở thành một trong những hệ quả lớn lao nhất mà toàn cầu hóa mang lại.

Câu chuyện ví dụ được nêu ở trên đã là một minh họa của tình trạng trong thế giới phẳng có những thứ đang mất dần đi, trong đó có sự riêng tư. Trong thế giới phẳng chỉ với một cái điện thoại bất cứ ai cũng có thể trở thành một phóng viên, một tay săn ảnh, một nhà làm phim nghiệp dư.

Và tất cả chúng ta đều có thể đưa những hình ảnh, những câu chuyện lên mạng mà không có ai kiểm duyệt. Một tấm hình, một video clip của bất cứ một cá nhân nào, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể được tiếp nhận bởi phần còn lại của thế giới. Điều này đã khiến cho mỗi cá nhân dù ở vị trí nào trong xã hội đều có cảm giác mình nắm trong tay một quyền lực của thông tin, quyền lực thay đổi cả xã hội.

Thế nhưng, trong sự say mê với quyền lực đó, cá nhân lại quên rằng chính thứ công cụ trao cho họ quyền lực lại cũng là thứ tước đi của họ cái quan trọng nhất, sự riêng tư. Phô bày tất cả sự riêng tư của mỗi cá nhân ra với cả xã hội, chịu những hệ lụy, không một luật sư nào có thể bảo vệ chúng ta trước sự trần trụi đó.

Vậy phải làm gì trong một thế giới phẳng, một thế giới mà với thông tin, mọi ngăn cách địa lý không còn nữa? Thomas L.Friedman đã trả lời trong tác phẩm của mình: Cách thức chúng ta ứng xử với những vấn đề đó trở nên rất quan trọng. Tự bảo vệ sự riêng tư của mình và có trách nhiệm trước các hành động của mình. Và kể cả khi sự riêng tư không còn thì ít nhất với những hành động phù hợp cũng không khiến chúng ta phải trả giá.

* Thomas L.Friedman là một nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng đã đạt 3 giải Pulitzer và phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times. Lĩnh vực ông quan tâm là quan hệ chính trị giữa các nước, bao gồm vấn đề mậu dịch quốc tế, vấn đề Trung Đông, toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường, dầu mỏ.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục