Kinh tế đã có nhiều mảng sáng lên nhưng chưa hoàn toàn đủ mạnh như kỳ vọng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi thế giới. Nhưng vượt lên tất cả, năm 2019 loài người sẽ đón nhận những cơ hội và vẫn phải gồng mình đón cả những thách thức trong cuộc tái định hình một trật tự thế giới mới.
Cục diện quốc tế đang rõ nét hơn
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc không chỉ đơn thuần là mục tiêu kinh tế. Mặc dù năm 2018, Bắc Kinh tỏ ra mềm mỏng và kiềm chế hơn nhằm tránh đối đầu ở những mặt trận dễ bị phong tỏa nhưng vẫn cứng rắn giữ vững cái gọi là “lợi ích cốt lõi”.
Xu hướng đa cực có những diễn biến mới thay thế chủ nghĩa đơn cực. Tuy khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới nhưng chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thay đổi chính sách can dự của các chính phủ tiền nhiệm.
“Nước Mỹ trước hết”, mà trước hết và trên hết là lợi ích kinh tế. Tổng thống - nhà kinh doanh Trump hiểu rõ sức mạnh của Mỹ đang bị tổn thương. Chính quyền Trump đang giảm đóng góp và tham gia trong một số liên minh mà Washington cảm thấy mệt mỏi và tốn kém.
Việc rút quân Mỹ ở Syria và một phần ở Afghanistan vào thời gian cuối năm 2018 không chỉ nhằm giảm chi phí mà còn đi kèm chiến lược quân sự - kinh tế, đó là ra đòn quân sự, một mũi tên trúng hai mục tiêu, trong đó có việc thử nghiệm vũ khí và hướng tới gia tăng hơn nữa việc xuất khẩu vũ khí vốn giúp Mỹ kiếm nhiều tiền nhất thế giới.
Các cuộc biểu tình và bạo động của lực lượng “áo vàng” ở Paris (Pháp) chống chính phủ đang tác động và có thể lan sang một số nước châu Âu. Cơn sóng thần “dân tuý” đang làm đảo lộn chính trường nhiều nước châu Âu. Điều đó cho thấy các yếu tố phát triển bền vững của lục địa già đang bị thách thức bởi hậu quả của những chính sách kinh tế, xã hội, đối ngoại, nhập cư thiếu nhất quán và thiếu hiệu quả.
Trong khi đó, Nga vẫn là một thế lực mạnh về quân sự của thế giới dù nền kinh tế đang chịu nhiều o ép và cấm vận của Mỹ và phương Tây. Nhưng Moscow đã có sự điều chỉnh chiến lược. Người ta đã nói đến khả năng Nga và Trung Quốc có thể liên minh với nhau để chống lại Mỹ nếu Washington tiếp tục “tấn công” nhằm làm suy yếu “đối thủ” Moscow và Bắc Kinh.
Tất nhiên, đó không phải là một liên minh “cứng” như NATO của Mỹ và phương Tây, nhưng Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực để chống lại sự tấn công của Mỹ vào lợi ích của hai nước này.
Một điều đáng chú ý là trong năm 2019, các nhà lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới như Tổng thống Donald Trump của Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin của Nga,… vẫn đang trong thời kỳ khẳng định được vị thế mạnh mẽ của mình, quyết tâm lái đất nước họ đi theo quỹ đạo chiến lược đã vạch ra. Chính vì vậy, khả năng thỏa hiệp trong các cuộc đối đầu chiến lược quốc tế có thể sẽ khó khăn hơn.
Các nước hạng trung chỉ đóng một vai trò không mấy nổi bật trong cục diện toàn cầu. Các cường quốc vẫn chi phối trật tự thế giới mới. Vai trò của các tổ chức quốc tế, kể cả Liên hiệp quốc về chính trị và an ninh dường như đang ngày càng giảm bởi sự lộng quyền và sự phớt lờ của Mỹ cùng một số cường quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nếu xảy ra xung đột, kể cả xung đột kinh tế giữa các siêu cường hoặc cường quốc, các nước liên quan sẽ chịu ảnh hưởng nhất định. Sự kiện Trung Quốc bắt giữ ba công dân Canada sau khi Canada bắt giữ Phó chủ tịch hãng Huawei theo yêu cầu của Mỹ cuối năm 2018 là một minh chứng. Trong khi đó, các nước đang phát triển cũng sẽ giữ vai trò khiêm tốn trong trật tự thế giới mới.
Tuy nhiên, thế giới này không chỉ có các cường quốc. Các nước lớn, kể cả các siêu cường quốc cũng cần các nước khác, trong đó có các nước nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ Latinh và cả các nước nhỏ của châu Âu. Các nước lớn cần thị trường và cần nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực giá rẻ.
Chiều ngược lại, các nước đang phát triển cũng cần có sự hỗ trợ, hợp tác và buôn bán với các nước giàu để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo đang đè nặng lên số phận của các nước nhỏ. Trong G20, các tổ chức khu vực như ASEAN, AU ở châu Phi, tiếng nói của các nước đang phát triển sẽ ngày càng được chú ý hơn.
An ninh quốc tế có dịu đi?
Năm 2019, dự báo vẫn chưa hết nguy cơ các cuộc xung đột quy mô nhỏ ở Trung Đông, châu Phi, căng thẳng về quân sự giữa Nga và Ukraine... Lực lượng Hồi giáo cực đoan IS vẫn chưa bị tiêu diệt. Khủng bố quốc tế vẫn đe doạ sự bình yên ở nhiều nước. Nhiều nơi trên thế giới vẫn bất ổn vì các yếu tố an ninh phi truyền thống trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi các giới hạn không gian, thời gian và vượt quá những suy nghĩ thông thường…
An ninh thông tin, đặc biệt là an ninh mạng Internet là nỗi lo của nhiều nước. Thế giới bây giờ không còn “phẳng” nữa mà là một thế giới đa chiều với sự vận động đầy tốc độ, tưởng chừng như đơn giản trên nền tảng sự phát triển khoa học, công nghệ.
Những căng thẳng về chiến lược quân sự giữa các cường quốc có thể đẩy mạnh cuộc chạy đua phát triển vũ khí mới. Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) dấy lên nghi ngờ Washington muốn gia tăng ưu thế vũ khí hạt nhân so với đối thủ. Chi phí quốc phòng của nhiều nước vẫn tăng lên đáng quan ngại.
Các cuộc chiến tranh gián điệp, tình báo trên nhiều mặt trận vẫn quyết liệt dù không vang tiếng súng, đặc biệt là tình báo mạng, tình báo kinh tế. Không gian vũ trụ cũng không bình yên nữa.
Quỹ đạo 36.000km chật chội các vệ tinh của nhiều nước, hoạt động với nhiều mục đích khác nhau. Các quỹ đạo tầm thấp cũng có nhiều vệ tinh các cỡ hoạt động. Nguy cơ “chiến tranh giữa các vì sao” không còn là câu chuyện viễn tưởng mà đang dần trở thành hiện thực. Cuối năm 2018, Mỹ đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh không gian, xây dựng lực lượng vũ trụ thuộc Bộ quốc phòng.
Các điểm nóng quốc tế ở Trung Đông, châu Phi, biển Đông, Nga - Ukraine, Thái Bình Dương tuy còn tiềm ẩn nguy cơ các cuộc xung độtnhưng chúng ta vẫn hy vọng vào sự kiềm chế của các nước liên quan bởi nếu chiến tranh, xung đột xảy ra thì tất cả đều thua thiệt.
Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã và đang chuyển động tích cực sau bước ngoặt lớn nhất trong năm 2018 khi lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên bước qua đường ranh giới vào lãnh thổ Hàn Quốc và ngược lại, cam kết biến khu phi quân sự thành khu vực hòa bình.
Kết quả cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12-6-2018 cũng có cơ sở để hy vọng tuy vẫn còn đó nhiều trở ngại, khó khăn. Căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên có thể bùng phát trở lại trong năm 2019 nếu các bên không thực hiện các cam kết.
Theo các nhà nghiên cứu, những thay đổi về cấu trúc quyền lực toàn cầu; các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội; cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại các công nghệ với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử.
Mạng thông tin thế hệ mới 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi (blockchain), công nghệ sinh học tiên tiến… đã và đang được triển khai sẽ làm thay đổi thế giới trong tương lai gần.
Chuyện kinh tế
Nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới đã đưa ra dự báo khá bi quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2019: Mặc dù nền kinh tế lớn nhất là Mỹ năm 2019 duy trì tăng trưởng tốt nhưng hầu hết phần còn lại của thế giới đang có sự suy giảm nhất định.
Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,2% so với 6,8% năm 2018. Kinh tế các nước châu Âu sẽ tăng trưởng chậm hơn và được dự báo chỉ đạt mức 1,5% so với mức tăng 1,9% của năm 2018 vì bất ổn về chính trị. Vì Brexit, nước Anh cũng chỉ đạt tăng trưởng 1,1%. Sự phục hồi của Nhật Bản còn yếu dù được dự báo sẽ nhích lên 0,9% so với 0,8% năm ngoái.
Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn ra ở mức độ cao hơn thì sự suy yếu của nền kinh tế thế giới là khó tránh khỏi bởi quy mô lớn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và mức độ ảnh hưởng của họ.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của nhiều nước, đặc biệt là yếu tố kinh tế tri thức với sự giảm chi phí đáng kể nhờ dựa vào nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin và sự phát triển công nghệ cao, kinh tế thế giới vẫn trong thời kỳ tăng trưởng dù không đạt như kỳ vọng. Sẽ khó có khả năng kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng mới như vài dự báo bi quan.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạc quan là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 vào khoảng 3,6% trong khi nhiều tổ chức khác dự báo ở mức 2,7 đến 3%.
Lịch sử là tập hợp những sự kiện xảy ra trong quá khứ, có nguồn cơn và những diễn biến có tác động đến tương lai, dù trước mắt hay lâu dài. Một năm có 365 ngày nhưng chỉ cũng là một lát cắt của lịch sử. Năm 2019, chúng ta sẽ chứng kiến sự tiếp biến của quá trình tái định hình lại cấu trúc toàn cầu mới.