Nhật ký Lê Anh Xuân

Thể hiện chân thật cuộc sống

Thể hiện chân thật cuộc sống

NXB Văn hóa văn nghệ TPHCM và Trường ĐHKHXH-NV – Đại học quốc gia Hà Nội vừa cho ra mắt cuốn nhật ký chiến trường của nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), tác giả bài thơ Dáng đứng Việt Nam, một trong những bài thơ hay nhất về người lính Việt Nam.

Cuốn nhật ký này đã đi theo Lê Anh Xuân từ ngày đầu vượt Trường Sơn vào Nam năm 1964 và đã nằm cạnh nhà thơ khi ông hy sinh vào cuối tháng 5-1968 tại ven đô Sài Gòn trong đợt 2 cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Cuốn nhật ký được nhà văn Lê Văn Thảo tìm thấy và sau đó nhà thơ Bảo Định Giang đã tìm đến trao tận tay gia đình nhà thơ Lê Anh Xuân. Sau này, UBND tỉnh Bến Tre đã đề nghị được lưu giữ cuốn nhật ký tại bảo tàng tỉnh như một trong những hiện vật ghi lại sự đóng góp của một người con Bến Tre.

Tháng 5-2011, nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình cũng như các thầy cô giáo, sinh viên học sinh có ý kiến đề nghị phát hành rộng cuốn nhật ký để mọi người có thể hiểu thêm về những chặng đường mà nhà thơ đã sống, chiến đấu, học tập, sáng tác tại chiến trường miền Nam.

Để thỏa lòng mong ước đó, gia đình, bạn bè, đồng đội và NXB Văn hóa văn nghệ TPHCM đã chung tay thực hiện Nhật ký Lê Anh Xuân dày hơn 400 trang có dịp ra mắt bạn đọc cả nước.

Quá trình xuất bản Nhật ký Lê Anh Xuân gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt thể hiện, nhà thơ khi viết nhật ký sử dụng rất nhiều từ viết tắt, viết theo kiểu ghi chú đòi hỏi người nhập dữ liệu phải kỳ công kiểm tra, dò lại.

Về nội dung, cuốn nhật ký thể hiện theo cách ghi hàng ngày, rất chân thật, sống động theo cái nhìn của một người nghệ sĩ, nhưng đồng thời cũng thể hiện được phần nào lý tưởng của cả một thế hệ ngày ấy. Có những lúc hoảng sợ trước hy sinh, mất mát nhưng với tình cảm đất nước, với tình yêu quê hương, tự mỗi con người trong đó có Lê Anh Xuân đã vượt qua thử thách, khó khăn.

Ở góc độ một nhà văn cũng từng ra chiến trường, nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng, cuốn nhật ký viết rất thật, thật từ chi tiết đến cả tình cảm trước những vấn đề của cuộc sống trong chiến tranh ác liệt.

Là một cuốn nhật ký cá nhân, bên cạnh những miêu tả dữ dội của chiến tranh là những ghi chép về tình cảm cá nhân mà nổi bật là tình cảm với người chị ruột (Ca Lê Du) mà ông có dịp gặp lại khi chiến đấu tại Bến Tre. Ngoài ra, ông còn viết khá nhiều về tình yêu của mình với X.L, người yêu của ông lúc ấy đang ở miền Bắc.

Cuốn nhật ký còn là một tài liệu tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về các tác phẩm của nhà thơ Lê Anh Xuân cũng như phương thức ghi chép sáng tác của một tác giả trong những hoàn cảnh đặc thù.

Có những đoạn trong cuốn nhật ký nhà thơ ghi nhanh từng câu ngắn không chủ ngữ, vị ngữ, chỉ chứa đựng thông tin kiểu: “Tân Mỹ Huệ: - sân bay 20m; - Dinh quận 100m….” hay ghi chữ tắt không giải nghĩa kiểu “NVT”, “VCQ”, “H”, “Y”… Thậm chí, có nhiều đoạn Lê Anh Xuân như đang viết dở ý tưởng cho một vở kịch sân khấu… Nhưng đây lại là những điều rất hay, rất thật để bạn đọc suy ngẫm về cuộc sống trong đạn bom ngày ấy.

Xuân Thân

Tin cùng chuyên mục