Thế khó

Theo Tờ Financial Times, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ lâu đã là một trong những đối tác thân thiết nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông. 

Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng sâu đậm của nước này với Trung Quốc dường như đang tạo căng thẳng cho liên minh khi Washington có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Điều này có thể còn nhạy cảm hơn nữa đối với UAE khi nước này chuẩn bị đảm nhận vị trí Chủ tịch không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào tháng 1-2022. 

Không chỉ UAE, nhiều quốc gia khác ở vùng Vịnh cũng phải tìm cách tạo thế cân bằng khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình khắp Trung Đông từ 2 thập niên trước. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh coi Mỹ là người bảo đảm an ninh cho họ, còn Mỹ coi họ là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu đáng tin cậy. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu của Mỹ từ khu vực này đã giảm rõ rệt trong 10 năm qua do sự bùng nổ đá phiến ở Bắc Mỹ. Ngược lại, nhu cầu dầu từ Trung Quốc tăng vọt. Bắc Kinh hiện là khách hàng mua dầu thô lớn nhất từ vùng Vịnh. 

Khi quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, mối quan hệ Trung Quốc - vùng Vịnh hiện không chỉ xoay quanh dầu thô. Với một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn và tham vọng hơn đang tìm cách hiện đại hóa đất nước, các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng tìm cách khai thác công nghệ của Trung Quốc cho các thành phố thông minh cũng như máy bay không người lái có vũ trang, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo. Ali Shihabi, một nhà phân tích ở Saudi Arabia - một đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực - cho biết: “Hợp tác với Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng vì những lý do rõ ràng. Trước hết, Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ mà không đi kèm các điều kiện chính trị. Thứ hai, Trung Quốc là thị trường lớn và cuối cùng, Trung Quốc có ảnh hưởng với  Iran. Nước này gần như là đồng minh có giá trị duy nhất của Iran, vì vậy cực kỳ quan trọng đối với Saudi Arabia”.

Với nhiều lợi ích đem lại, việc các quốc gia vùng Vịnh tăng cường hợp tác với Bắc Kinh là lựa chọn thực dụng và thực tế. Nhưng theo giới quan sát, đó cũng là vấn đề cho khu vực này. Một nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ giấu tên cho hay, đã có những nỗ lực thúc ép vùng Vịnh phải lựa chọn 1 trong 2. Và vùng Vịnh đang rơi vào thế khó!

Tin cùng chuyên mục