Thế khó của NATO tại Afghanistan

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 18-2 tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng với một loạt chương trình nghị sự nổi bật như cải tổ, ngân sách và chính sách quân sự ở Afghanistan... Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của NATO kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, nhằm khởi động lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị rạn nứt trong 4 năm qua.
 Hội nghị trực tuyến của NATO
Hội nghị trực tuyến của NATO

Phụ thuộc vào Mỹ 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày làm việc đầu tiên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cuộc họp là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức vào cuối năm nay. Ông Jens Stoltenberg đánh giá rằng NATO có cơ hội để mở ra một chương mới trong quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Đây cũng là lý do Tổng Thư ký  Nato Stoltenberg đưa ra sáng kiến NATO 2030 nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, hỗ trợ đồng minh phát huy năng lực và đảm bảo chia sẻ chi tiêu công bằng hơn, thích ứng phù hợp với tương lai. 

Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg vẫn chưa có tuyên bố chính thức về kế hoạch quân sự của NATO tại Afghanistan sau khi chính phủ của Tổng thống Joe Biden xem xét lại kế hoạch rút quân từ chính phủ tiền nhiệm. Ông Jens Stoltenberg khẳng định rằng vẫn chưa đến thời điểm rời đi do việc rút lui cần sự phối hợp của các bên. Việc xem xét lại chính sách quân sự tại Afghanistan, đã làm nảy sinh bất đồng giữa hai bên. Quyết định của NATO sẽ phải phụ thuộc vào  thỏa thuận đạt được với Mỹ, trên cơ sở các diễn biến trên thực địa tại Afghanistan, cũng như mức độ tuân thủ cam kết của Taliban đối với thỏa thuận đã đạt được với Mỹ hồi đầu năm ngoái.

Theo dự kiến, tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Lloyd Austin sẽ không đưa ra thông báo chắc chắn nào về việc rút quân, nhưng sẽ tìm kiếm ý kiến đóng góp từ các đồng minh để giúp ông Joe Biden đưa ra quyết định. Hiện một số thành viên khác của NATO khẳng định sẵn sàng ở lại Afghanistan, nếu Washington ở lại. Chính sách quân sự tại Afghanistan là vấn đề lớn mà NATO đã không thể đưa ra được quyết định cuối cùng tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO vào cuối năm 2020. Do đó, tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng NATO lần này, việc giải quyết vấn đề trên đang là câu hỏi lớn.

Tiến trình hòa bình mong manh

NATO bắt đầu phụ trách chiến dịch tại Afghanistan vào năm 2003, 2 năm sau khi liên minh do Mỹ dẫn đầu có mặt để đối phó với Taliban sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Kể từ đó đến nay, mục tiêu kiềm chế bạo lực và khủng bố vẫn chưa đạt được. Việc NATO tiếp tục ở lại cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong khi rút lui là điều nhiều bên không mong muốn, vì nguy cơ khủng bố và bạo lực vẫn hiện hữu. 

Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo, cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã không đủ điều kiện cho phép rút các binh sĩ nước ngoài. Cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về tiến trình hòa bình tại Afghanistan, vốn đã mong manh sẽ lâm vào bế tắc. 

Theo người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Afghanistan, Tướng Scott Miller, hoạt động bạo lực của Taliban đang gia tăng so với những gì đã diễn ra trong quá khứ đang đe dọa những bước tiến vốn được hy vọng tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho Afghanistan. Ông Scott Miller lưu ý rằng các cuộc giao tranh hiện tại đi ngược lại tinh thần thỏa thuận mà Washington đã ký kết với Taliban tại Doha (Qatar) vào năm ngoái. Trong đó kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực, đồng thời cho thấy dấu hiệu các cuộc giao tranh vào mùa xuân có thể diễn ra khốc liệt hơn so với trước. Hiện Chính phủ Afghanistan đã chỉ thị các lực lượng an ninh tái cơ cấu toàn diện và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công diễn ra vào mùa xuân.

Theo báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan (SIGAR), trong quý 4-2020, các vụ tấn công bạo lực do Taliban tiến hành đã làm 810 người thiệt mạng và 1.776 người bị thương. Nhưng Taliban bác bỏ các cáo buộc này.

Tin cùng chuyên mục