Với người không từ chối, họ được mặc định là người có thể hiến cơ quan nội tạng. Tất cả công dân từ 16 tuổi trở lên sẽ được thông báo về quy định mới. Tuy nhiên, cơ quan y tế của Đức sẽ không nhận tạng được hiến từ người người không có khả năng đưa ra quyết định, ví dụ như người bị tâm thần. Theo quy định hiện nay tại Đức, những người ký vào thẻ hiến tạng đều mang thẻ này trong ví. Nếu họ qua đời, bệnh viện có thể biết rằng họ được phép lấy nội tạng của người này. Tại Đức, hiện có khoảng 30% người có thẻ hiến tạng, nhưng nhiều trường hợp thân nhân của người muốn hiến tạng không đồng ý cho bác sĩ lấy đi cơ quan nội tạng của người đã mất. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người hiến tạng liên tục giảm ở nước này.
Dự kiến, Quốc hội Đức sẽ tổ chức bỏ phiếu về sáng kiến của Bộ Y tế trong thời gian tới. Sáng kiến được ủng hộ và cũng có ý kiến phản đối. Một nhóm nghị sĩ trong quốc hội đã yêu cầu cơ quan chức năng thường xuyên hỏi ý nguyện của người dân về vấn đề hiến tạng và đăng ký hiến tạng trực tuyến nhằm đảm bảo rằng họ đưa ra quyết định hiến tạng khi đầu óc còn minh mẫn và tình nguyện chứ không phải do áp lực của nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có đề xuất cho rằng cơ quan y tế cũng nên cân nhắc đến một số biện pháp khi tiếp cận với các gia đình, nhằm đảm bảo quyết định của người có thẻ hiến tạng không bị bác bỏ.
Theo Bộ Y tế Đức, nếu được thông qua, đề xuất này sẽ khuyến khích công dân Đức tham gia hiến tạng để mang lại cơ hội sống cho hàng ngàn bệnh nhân khác. Để soạn thảo đề xuất này, cơ quan quản lý y tế của Đức đã căn cứ vào tình trạng thiếu hụt nguồn nội tạng hiến tặng ngày càng nghiêm trọng cũng như số ca bệnh nhân chờ ghép tạng không ngừng tăng lên. Tình trạng này đã kéo dài từ năm 2012 cho đến nay. Thống kê của Bộ Y tế Đức cho biết, trong năm 2016, chỉ có 797 người tham gia hiến tạng khi có gần 10.000 người chờ được ghép tạng. Do chờ đợi quá lâu, khoảng 2.000 người đã tử vong mỗi năm mà chưa kịp cấy ghép tạng.
Thiếu nguồn tạng hiến trong nước khiến nhiều bệnh nhân ở Đức phải sang một số nước lân cận như Croatia để tìm tạng được hiến tặng. Theo tờ Deutsche Welle, do có sự điều chỉnh về chính sách hiến tạng, Croatia đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người hiến tạng cao nhất châu Âu. Trong khi đó, Đức lại rơi vào nhóm các nước có tỷ lệ người hiến tạng thấp nhất châu lục. Chính sách hiến tạng của Croatia cũng tương tự như đề xuất của Bộ Y tế Đức. Đó là công dân còn sống sẽ được coi là tình nguyện hiến tạng sau khi chết, những ai không đồng ý có thể ký vào đơn từ chối. Chính sách này đã được áp dụng thành công tại Tây Ban Nha và Pháp, qua đó giúp tăng tỷ lệ người hiến tạng và giảm thiểu nguy cơ tử vong từ bệnh nhân chờ được ghép tạng.