Đây là đơn vị thứ hai, sau Công ty cổ phần Phần mềm hiệu năng cao Việt Nam (VHES, được ra mắt vào tháng 3-2017), là công ty khởi nghiệp từ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Hội đồng quản trị SENVI, cho biết bước đầu công ty sẽ tập trung sản xuất, kinh doanh 2 sản phẩm, gồm “Công nghệ sản xuất modem thu thập dữ liệu” và “Bộ tập trung dữ liệu DCU sử dụng trong hệ thống điện kế đo xa thông minh”.
Bộ tập trung DCU có khả năng quản lý và thu thập dữ liệu các điện kế qua các chuẩn truyền thông khác nhau; giao tiếp và trao đổi thông tin hai chiều với phần mềm hệ thống HES qua mạng viễn thông 2G/3G hoặc Ethernet. Còn thiết bị thu thập dữ liệu (DCM) được sử dụng trong các ứng dụng thu thập dữ liệu từ xa và dữ liệu được thu thập qua giao tiếp RS232/RS485 và truyền về trung tâm qua GPRS/3G/Ethernet. DCM sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 do Việt Nam thiết kế và sản xuất; sử dụng trong hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu điện kế với nhiều tính năng nổi bật...
Công ty cổ phần Công nghệ SENVI - được hình thành từ sự chuyển giao công nghệ các sản phẩm thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM - tập trung vào phát triển, sản xuất, kinh doanh các thiết bị đo đếm cho ngành điện và xây dựng các giải pháp truyền thông cho lưới điện thông minh (Smart Grid). Cụ thể hơn, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) sẽ chuyển giao (chuyển giao không độc quyền) 2 sản phẩm: Thiết bị thu thập dữ liệu điện kế từ xa sử dụng công nghệ GSM, Ethernet và Bộ tập trung dữ liệu (DCU - Data Concentrator Unit) cho SENVI. Công ty SENVI là công ty khởi nghiệp, mua công nghệ nói trên và tiếp tục phát triển để tạo ra các thiết bị truyền thông cụ thể là modem và DCU - đóng vai trò quan trọng trong vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành điện lực là xây dựng lưới điện thông minh (Smart Grid).
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), cho biết trị giá thương vụ chuyển giao công nghệ này lên đến 6 tỷ đồng và khẳng định đây là chuyển giao không độc quyền, ICDREC vẫn có quyền chuyển giao cho đơn vị khác nếu SENVI hoạt động không hiệu quả. Được biết, trong giai đoạn sản xuất thử, ICDREC đã cung cấp cho Tổng Công ty Điện lực TPHCM 4.500 thiết bị modem, được đơn vị sử dụng đánh giá hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu của ngành điện. Ông Ngô Đức Hoàng cũng thông tin thêm, doanh thu chuyển giao công nghệ của ICDREC đến nay đã đạt con số 70 tỷ đồng và hiện ICDREC được Viện Định giá quốc gia định giá khoảng 290 tỷ đồng.
Phía Công ty SENVI cho biết, SENVI sẽ phát triển thêm các sản phẩm đo đếm trong ngành điện như công tơ điện tử 1 pha, công tơ điện tử 3 pha tiến tới hoàn thiện các giải pháp hoàn chỉnh cho lưới điện thông minh. Trên nền tảng đó, SENVI sẽ phát triển các thiết bị này để phục vụ cho các hệ thống khác như giao thông, chiếu sáng, quan trắc môi trường…, hướng tới thành phố thông minh (Smart City).