Thêm dấu hỏi về năng lực

Việc các CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy vừa qua dù không để lại sự cố nghiêm trọng nào, nhưng nếu xét ở góc độ quản lý, điều hành nền bóng đá, đó là một điểm trừ về năng lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Có một nguyên tắc về khía cạnh quản lý, là khi đưa ra một quyết định có yếu tố chế tài, trừng phạt thì nó nên và phải có tác dụng. Nếu không thì đừng ra quyết định còn hơn. Việc CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng gần như là mặc định, thậm chí có ý kiến còn cho rằng đấy là hành vi có hệ thống nhắm vào những trận đấu liên quan đến CLB Hà Nội.

Một sự việc được biết trước, vẫn lặp đi lặp lại với quy mô không giảm, trong khi VFF khẳng định mình đã làm hết sức, đã xử “kịch khung” thì rõ ràng là một sự thất bại quá lớn của các nhà tổ chức, điều hành. Như vậy, các quyết định xử phạt trước đây của VFF là vô nghĩa, hay nói đúng hơn, trong trường hợp này thì không phạt còn tốt hơn. Bởi vì xử phạt việc đốt pháo sáng không giống như những chế tài về chuyên môn khác mà cho phép có độ trễ. Cũng giống như người không có bằng lái thì dứt khoát không được phép lái xe, chứ không chờ đến lúc có vi phạm luật hay không mới xem xét. Pháo sáng bị cấm tại sân vận động bởi nó có thể gây mất an toàn cho người xem và trong trường hợp xấu, còn tạo ra bạo động, hỗn loạn, thảm kịch.

Như vậy, bản chất của việc xử lý pháo sáng là tuyệt đối không để tái diễn chứ không phải sự nặng - nhẹ của án phạt hay tính chất của vụ việc. Vì VFF không xử lý vấn đề pháo sáng theo đúng bản chất của nó, nên như đã biết, các án phạt của họ giống như trò cười. Pháo sáng vẫn được đốt, như một kiểu thách thức pháp luật được khoác chiếc áo “cuồng nhiệt bóng đá”. Đáng tiếc là vì không nhìn đúng bản chất, nên quyết định xử phạt mới nhất của VFF còn “vẽ đường cho hươu chạy” khi cấm sân Hàng Đẫy thi đấu không khán giả ở trận đấu hấp dẫn vào thứ bảy này (để rồi sau đó hủy bỏ án phạt theo cách thật bất ngờ). Những quyết định như thế này, có tác dụng gì đến việc đốt hay không đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng? Quay lại ví dụ có tính chất tương tự về giao thông. Một người không có bằng lái mà vẫn lái xe, thì lỗi đầu tiên thuộc về ý thức người cầm lái, kế đến là chủ xe. Cả 2 trường hợp này đều bị phạt rất nặng, bao gồm thu giữ phương tiện khi bị phát hiện, chưa nói đến có gây tai nạn hay không.

Với pháo sáng cũng vậy, không được phép đem vào sân chứ chưa nói đến việc đốt công khai trên khán đài. VFF phải đặc biệt hướng đến việc ngăn ngừa pháo sáng ngay tại CLB Hải Phòng và những CĐV của họ. Bên cạnh việc phải có những án phạt mang đúng tính chất răn đe như trừ điểm, cấm khán giả… thì quan trọng nhất vẫn là ý thức không đốt pháo sáng trên khán đài.

Trên thực tế, việc đốt pháo sáng cũng xuất phát từ một bộ phận rất nhỏ của CĐV Hải Phòng, thế nên, nếu đánh giá sự việc theo đúng bản chất về khía cạnh xã hội của nó thì mới có thể ngăn chặn triệt để tình trạng đốt pháo sáng. Rất tiếc, như đã biết, VFF một lần nữa “ngồi phòng lạnh” ra quyết định “chữa cháy” bằng cách “đổ dầu vào lửa”, đẩy toàn bộ trách nhiệm cho các sân bóng theo kiểu “cái gì không quản được thì cấm”, chẳng khác nào buộc các sân bóng khác thực hiện những biện pháp có tính chất phân biệt đối xử trong những trận đấu có đội Hải Phòng sắp đến.

Xử lý theo kiểu của VFF vừa không thể hiện được sự am hiểu chuyên sâu của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, vừa cho thấy họ hoàn toàn không nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với một môn chơi có mức tác động lớn đến xã hội. Nói cách khác, đây là vấn đề thuộc về năng lực, trình độ của một tổ chức như VFF. Đáng tiếc là cho đến lúc này, bất kể những sự tiến bộ tốt đẹp của thành tích đội tuyển, của các cầu thủ, của nhiều ông bầu bóng đá… thì mặt bằng VFF có vẻ như vẫn thấp hơn so với mặt bằng xã hội.

Tin cùng chuyên mục