Thêm sự đóng góp của thể thao

Khởi đi từ Đức, phong trào cầu thủ nhà nghề cắt giảm tiền lương để đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 đang lan rộng ở nhiều nơi cũng như với nhiều môn thể thao hàng đầu thế giới khác. FIFA cũng đã lên tiếng đề nghị các cầu thủ chuyên nghiệp thể hiện lòng hảo tâm nhiều hơn trước tình hình ngày càng nghiêm trọng của dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.

Ở giới bóng đá chuyên nghiệp cũng như một số môn thể thao nhà nghề có thu nhập cao trên toàn cầu, tiền lương cầu thủ chiếm đến 64%-75% ngân sách hoạt động của các CLB. Điều đó có nghĩa, chỉ cần cầu thủ đồng ý giảm 20% lương, CLB sẽ có đủ chi phí để trả cho toàn bộ các hoạt động khác trong khoảng thời gian không thi đấu. Chính vì thế, việc giảm lương của cầu thủ có thể xem là nghĩa cử đối với cộng đồng chứ không đơn thuần chỉ là chia sẻ khó khăn với đội bóng của mình.

Những cầu thủ ở Bundesliga là những người đầu tiên cũng là quyết liệt nhất trong hành động giảm lương. Đặc trưng của bóng đá Đức là các CLB “thuộc về người hâm mộ” về mặt pháp lý. Những trận đấu ở Bundesliga luôn tràn ngập khán giả bởi CĐV xem việc họ đến sân là trách nhiệm nuôi sống cầu thủ. Cũng vì vậy, khi CLB gặp khó khăn, gần như các cầu thủ ở Đức đều nhanh chóng đồng ý với việc cắt giảm tiền lương. Tiêu biểu như đội bóng Union Berlin. Nhiều năm trước, hàng ngàn CĐV trung thành của họ đã hiến máu để kiếm tiền giúp đội bóng tránh rơi vào tình trạng phá sản. Còn bây giờ, các cầu thủ của họ tuyên bố sẽ giảm lương đến khi nào có thể giúp những nhân viên đang phục vụ ở CLB có thể sống được mà không lo thất nghiệp.

Không chỉ hành động bằng việc giảm lương, các cầu thủ cũng đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi yêu cầu giới quản lý từ bỏ ý định duy trì các giải đấu trong thời gian tới. Trên thực tế, tính đến thời điểm này, sau EURO và Olympic đã quyết định lùi lại một năm, đa số các sự kiện bóng đá và thể thao lớn ở châu Âu vẫn còn chần chừ, chưa quyết định hủy bỏ. Nguyên nhân chính vẫn đến từ yếu tố tài chính bởi có thể khiến ngành công nghiệp này mất hơn chục tỷ USD. Nhưng ở góc độ của mình, các cầu thủ cho rằng, đây không phải là lúc để nói chuyện khi nào và thi đấu ra sao. Cả thế giới đang oằn mình chống dịch, nếu không thể chia sẻ nhiều hơn thì ít nhất cũng đừng làm xao nhãng mối quan tâm của cộng đồng.

HLV CLB Arsenal, ông Mikel Arteta, ngay khi vừa bình phục sau khi bị nhiễm Covid-19 nói rằng, điều ông mong muốn duy nhất vào thời điểm này là được ôm tất cả mọi người, được ở bên những người yêu thương chứ không phải làm việc bên sa bàn hay sân bóng. Đất nước Tây Ban Nha của ông đang ở trong tình trạng phong tỏa và rõ ràng trong thời gian ở Anh, HLV này vừa phải tự bảo vệ sức khỏe vừa phải trông ngóng về quê nhà. Cũng ở Tây Ban Nha, CLB Barcelona đang tiến hành đàm phán với các cầu thủ để đạt thỏa thuận chưa từng có tiền lệ, đó là cắt giảm đến 70% lương cầu thủ. Số tiền này vừa để bù đắp cho các nhân viên, VĐV đang làm việc ở những đội thể thao khác cũng thuộc sở hữu CLB, vừa đóng góp cho các quỹ từ thiện để mua vật tư y tế chống dịch. Barcelona vốn nổi tiếng là CLB thuộc quyền kiểm soát của các CĐV nên họ không thể đứng bên lề những khó khăn của người dân.

Thể thao thế giới đang ở thời khắc lịch sử đặc biệt, kể từ sau thế chiến thứ 2. Việc dừng, hoãn và hủy các sự kiển thể thao đã “thổi bay” hàng chục tỷ USD, để lại những hậu quả khá nặng nề. Tuy nhiên, song song đó, chưa lúc nào giới thể thao lại nhanh chóng đạt được sự đồng thuận rất cao khi đưa ra các quyết định chưa từng có tiền lệ dù biết rõ những tổn thất lớn lao. Điều đó phần nào thể hiện khía cạnh khác trong các giá trị mà thể thao mang đến cho thế giới, như thông điệp đang được các VĐV chia sẻ gần đây: Khi mọi giải đấu đều dừng lại, đến lúc chúng ta phải hành động!

Tin cùng chuyên mục