
Theo quy định mới của Bộ LĐ-TBXH, từ nay đến hết năm 2006 các trường dạy nghề trên địa bàn TPHCM phải chuyển đổi tên gọi thành trung cấp nghề. Chuyện thay tên, đổi họ không khó nhưng cái khó khiến nhiều trường lúng lúng, thậm chí rối như tơ vò chính là đào tạo hệ trung cấp nghề theo chương trình nào, chuẩn nào?
Đào tạo theo kiểu nào?

Lớp đào tạo công nhân kỹ thuật ở Trường THCN Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: K.H.
Nhiều năm qua, do “thiếu xăng, thiếu lực” nên cỗ máy dạy nghề ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đều chạy ì ạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu lưu cữu của ngành dạy nghề mà công luận, các nhà quản lý dạy nghề đã mổ xẻ, phân tích tận tường.
Ngoài lý do quản lý chồng chéo, phân khúc, ngành dạy nghề chưa được định hướng đúng, đầu tư đến nơi đến chốn. Chính vì thế, các sản phẩm nhân lực – lao động kỹ thuật xuất xưởng từ các lò đào tạo nghề đều khiếm khuyết - tay nghề, kỹ thuật, kỹ năng thực hành kém.
Năm 2005 khi Luật Giáo dục ra đời, nhiều trường dạy nghề hy vọng có bước ngoặt đổi mới, lột xác ngành dạy nghề. Thế nhưng, chờ mãi đến mùa tuyển sinh dạy nghề năm 2006, hai hệ đào tạo mới là cao đẳng nghề và trung cấp nghề cũng chỉ khởi động với cái tên gọi mới - “mác mới, còn cái ruột vẫn như cũ”.
Lý do là thiếu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng luật mới. Trong tình cảnh này, nhiều hiệu trưởng trường dạy nghề than thở: “Nếu tuyển sinh hệ đào tạo nghề dài hạn thì phải thống nhất tên gọi chương trình đào tạo như thế nào? Nhưng cũng không thể gọi theo tên cũ là hệ công nhân kỹ thuật - vì vi phạm luật. Còn gọi theo tên mới là trung cấp nghề thì phải đào tạo theo mục tiêu, chương trình khung nào và trình độ công nghệ, kỹ năng nghề đạt chuẩn nào? Đầu ra của hệ trung cấp nghề so với hệ công nhân kỹ thuật có gì khác?...”.
Trước thực tế rối bời đó, nhiều trường đành chấp nhận phương án thay tên, đổi họ hệ đào tạo nghề dài hạn nhưng vẫn vận hành theo đường ray cũ (tức là tạm dạy theo chương trình cũ). Theo đó học sinh chỉ học nghề và không được học văn hóa như Luật Giáo dục đã quy định (trình độ văn hóa của người có bằng trung cấp nghề có trình độ tương đương tốt nghiệp THPT).
Rõ ràng việc phác họa hình hài hệ trung cấp nghề chưa được chuẩn bị thấu đáo, kỹ lưỡng và mục tiêu đề ra chưa rõ ràng. Vì thế khi triển khai áp dụng luật mới này, ngay cả cơ quan quản lý về dạy nghề cũng lúng túng trong việc xây dựng, định lượng, định hình chương trình đào tạo sao cho phù hợp với tên gọi và sự kỳ vọng đổi mới ngành dạy nghề nước nhà.
Chờ đến bao giờ?

Lớp thực hành kỹ thuật viên tin học tại Trường Công nghệ kỹ thuật Hùng Vương. Ảnh: K.H.
Để triển khai chủ trương đào tạo nghề theo xu hướng mới, ngày 7-10-2006, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-BLĐ- TBXH về việc thành lập, đăng ký hoạt động dạy nghề đối với các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Thực hiện văn bản có tính pháp lý đầu tiên này, Sở LĐ-TBXH TPHCM đã yêu cầu từ nay đến hết ngày 31-12-2006, các trường công nhân kỹ thuật phải đổi tên gọi thành trung cấp nghề hoặc nâng cấp lên cao đẳng nghề.
Chuyện thay tên, đổi họ không khó nhưng các trường dạy nghề đều bị động, lúng túng: “Dạy cái gì, nội dung chương trình ra sao? Số giờ lý thuyết và thực hành như thế nào để đảm bảo nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ tay nghề?”.
Quyết định 05 không có hướng dẫn cụ thể về chương trình khung, thời gian đào tạo, liên thông chương trình học nghề và cấp bằng như thế nào? Trước nỗi bức xúc của các trường dạy nghề, Sở LĐ-TBXH TPHCM đã có công văn đề nghị Tổng cục Dạy nghề cho phép các trường dạy nghề tạm thời điều chỉnh chương trình hiện hữu theo hướng bổ sung, nâng cao trình độ tay nghề bằng tăng giờ thực hành… Thế nhưng, đến nay Tổng cục Dạy nghề vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức.
Một cái khó khác là Quyết định 05 của Bộ LĐ-TBXH nói trên còn quy định điều kiện, tiêu chuẩn được thành lập trường cao đẳng, trung cấp nghề rất khó thực hiện. Đó là các trường trung cấp nghề phải có quy mô đào tạo 500 học sinh, số lượng nghề đạt trình độ trung cấp nghề tối thiểu là ba nghề và diện tích đất sử dụng tối thiểu trên 10.000m2 đối với khu vực đô thị và 30.000m2 đối với khu vực ngoại thành. Trên thực tế, hầu hết trường dạy nghề ở TPHCM đều không đạt chuẩn về diện tích như quy định. Vậy số phận của những trường dạy nghề không đạt chuẩn chuyển thành trường trung cấp nghề như nói trên sẽ ra sao?
Trong khi sự nghiệp dạy nghề đang lao đao vì thiếu hành lang pháp lý, thiếu lực hỗ trợ để phát triển, thì việc xây dựng “đường ray mới” cho hệ trung cấp nghề vẫn ở trong tình trạng “lửng lơ”. Tất cả đều phải chờ đợi văn bản hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề… Trong thời điểm Việt Nam đã gia nhập WTO, cạnh tranh về công nghệ kỹ thuật, sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao đang trở thành nỗi lo chung của các doanh nghiệp. Ngoài áp lực về vốn, kinh nghiệm quản lý, điều hành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều khát nguồn vốn nhân lực - đội ngũ lao động đạt chuẩn có tay nghề, kỹ năng cao. Thế nhưng, nhìn lại lỗ hổng trong bức tranh chung về đào tạo lao động kỹ thuật - đội ngũ nhân lực tinh nhuệ ngày một lớn. Làm thế nào để trám lỗ hổng đang trở thành rào cản làm giảm sức cạnh tranh của nước ta khi hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới?
KHÁNH BÌNH