Theo dõi ô nhiễm không khí bằng điện thoại di động

Theo dõi ô nhiễm không khí bằng điện thoại di động
Theo dõi ô nhiễm không khí bằng điện thoại di động ảnh 1

Các nhà khoa học ở Đại học Cambridge (Anh) vừa phát triển kỹ thuật mới giúp dễ dàng theo dõi ô nhiễm không khí, đó là một phần mềm và thiết bị cảm biến kết nối với điện thoại di động (ĐTDĐ) của những người đưa thư bằng xe đạp (ảnh).

Với thiết bị cảm biến ô nhiễm không dây sử dụng chức năng định vị toàn cầu (GPS) đặt trong thùng thư, khi người đưa thư đạp xe quanh thành phố, thiết bị sẽ báo cáo dữ liệu về ô nhiễm không khí cho phòng thí nghiệm thông qua qua chức năng Bluetooth của ĐTDĐ.

Thiết bị cảm biến này có kích thước nhỏ gọn, cỡ bộ điều khiển từ xa của TV, thông báo chính xác mức độ các loại khí thải độc hại như CO, NO, NO2, CO2... Phần mềm tự điều chỉnh cho phép ĐTDĐ liên tục thông báo chất lượng không khí và định vị chính xác nơi bị ô nhiễm, giúp các nhà chuyên môn sớm có biện pháp xử lý. Thiết bị cũng có thể đặt trong túi áo vét hoặc túi xách, rất hữu ích cho những người kiểm soát nơi đỗ xe.

P.Lâm (theo New Scientist)

Phát hiện hành tinh trẻ nhất ngoài hệ mặt trời

Theo dõi ô nhiễm không khí bằng điện thoại di động ảnh 2
TW Hydrae b quay quanh ngôi sao mẹ bên trong một đĩa bụi

Viện Thiên văn Max Planck (MPIA) ở Heidelberg (Đức) vừa thông báo phát hiện một hành tinh khí khổng lồ ngoài hệ mặt trời “vẫn còn liên hệ với đĩa bụi quay quanh ngôi sao mẹ của nó”.
Hành tinh này được đặt tên “TW Hydrae b”, có khối lượng gấp 10 lần sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời.

Cách sao mẹ khoảng 6 triệu km, tức bằng 4% khoảng cách giữa mặt trời và trái đất, chu kỳ quỹ đạo của TW Hydrae b quanh sao mẹ chỉ có 3,65 ngày. Các nhà thiên văn cho rằng, hệ hành tinh mới chỉ khoảng 10 triệu năm tuổi, tức là bằng 0,2% tuổi của hệ mặt trời (trái đất có khoảng 4,5 tỷ năm tuổi và mặt trời “già” hơn khoảng 100 triệu năm).

Cho đến nay, số hành tinh ngoài hệ mặt trời được khám phá là hơn 250 và TW Hydrae b được xem là hành tinh trẻ nhất. Trong tương lai gần, thiên văn học hiện đại sẽ giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về sự hình thành hành tinh cùng sự đa dạng của các hệ hành tinh, từ đó xác định vị trí hệ mặt trời trong vũ trụ. Như vậy, sẽ có lúc chúng ta trả lời được câu hỏi: “Trái đất có đơn độc trong vũ trụ?”.
 

V.Hà (theo DW, Max-Planck Press)

Tin cùng chuyên mục