Thi công thoát nước xong, ngập… nặng hơn

Một số đoạn đường đã được rào chắn để phục vụ thi công công trình “Cải tạo hệ thống thoát nước kênh Hàng Bàng” nhằm giải quyết tình trạng thoát nước tốt hơn. Vậy mà, khi rào chắn gỡ ra, tình trạng ngập lại… nặng hơn.
Thi công thoát nước xong, ngập… nặng hơn

Một số đoạn đường đã được rào chắn để phục vụ thi công công trình “Cải tạo hệ thống thoát nước kênh Hàng Bàng” nhằm giải quyết tình trạng thoát nước tốt hơn. Vậy mà, khi rào chắn gỡ ra, tình trạng ngập lại… nặng hơn.

Tình trạng trên đang diễn ra tại đường Mai Xuân Thưởng, đoạn gần khu vực đường Hậu Giang (quận 6) TPHCM. Nhiều người dân sống ở đây thật bất ngờ vì sau mỗi cơn mưa thì nước rút rất chậm, thậm chí có khi không rút khiến nước ngập sâu tràn vào nhà.

Chúng tôi có mặt tại đây vào giữa tháng 11 để ghi nhận thực tế. Trời vừa sẫm tối chuẩn bị mưa thì từ nhà mặt tiền đường cho đến trong hẻm bắt đầu mang tấm bạt, ván gỗ đặt trước cửa nhà để chuẩn bị “chống ngập”. Nhiều nhà cao hơn 30cm so với mặt đường, vẫn phải chống ngập. Cơn mưa tạnh gần 1 tiếng đồng hồ nhưng nước trên mặt đường vẫn không rút được bao nhiêu.

Người dân địa phương cho biết: “Chịu khổ gần cả năm trời để rào chắn lô cốt hy vọng không còn ngập nước. Ai dè mới mở rào chắn ra trả lại mặt đường thì còn ngập nặng hơn. Trước kia, mưa chỉ ngập khoảng chừng 20 - 40cm nhưng thoát rất nhanh. Giờ thì chẳng những không thoát mà còn ngập sâu hơn. Nhiều vật dụng trong nhà hư hỏng hết”.

Đường Mai Xuân Thưởng vẫn ngập sau khi thi công công trình cải tạo hệ thống thoát nước

Trụ sở Công an phường 6 trên đường Mai Xuân Thưởng cũng bị nước ngập tràn vào cơ quan, dù công trình thoát nước đã thi công xong. Theo các đồng chí công an, trụ sở đã ngập 3 lần trong tháng 10, tính từ sàn nhà thì sâu khoảng 20cm, dù trụ sở đã cao hơn mặt đường nhiều. Nếu mưa mà ngập thì cũng đành, nhưng tạnh mưa cả mấy tiếng cũng không rút nước. Cứ mỗi lần ngập là phải gọi điện thoại báo Công ty Thoát nước đô thị cho nhân viên xuống xử lý mới hết.

Khổ hơn, nhiều nhà trong hẻm còn bị xảy ra tình trạng nước cống trào ngược vào nhà. “Mùa mưa còn kéo dài, chỉ sợ dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết và Zika đang bùng phát. Trước kia khu vực này chỉ ngập mỗi khi triều cường, nhưng nước lên nhanh và thoát cũng nhanh, chứ không phải như bây giờ không thoát nổi. Nhà thấp chỉ có cách phải nâng đồ đạc cao lên thôi”, một hộ dân than.

Được biết, UBND quận 6 đã có văn bản gửi chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (viết tắt là Ban GTĐT) yêu cầu khắc phục. Ngay sau đó, chủ đầu tư đã lắp đặt cống thoát D90mm để dẫn nước từ vị trí đọng nước về các hố ga hiện hữu hai bên đường. Tuy nhiên, tình trạng ngập vẫn chưa giảm.

Trong khi đó, Ban GTĐT giải thích, công trình đã thực hiện đầy đủ các phương án được phê duyệt. Không có việc chặn dòng, mà đơn vị thi công đã dẫn dòng qua đường cống khác, nên không thể ngập do chặn dòng. Sau khi tháo dỡ rào chắn thi công, đơn vị thi công đã cho thông cống Mai Xuân Thưởng với đường Hậu Giang, tránh tình trạng ngập nước. Còn nguyên nhân ngập, theo chủ đầu tư là do khu vực này thấp hơn so với cao độ mặt đường. Những ngày qua, triều cường lên kết hợp với mưa nên mới ngập như vậy. Ngoài ra, do cống ở đường Hậu Giang D1.000mm (quá nhỏ so với cống Mai Xuân Thưởng) nên dẫn đến tình trạng nước thoát không kịp. Hiện nay, đơn vị đã trang bị máy bơm, cử công nhân túc trực mỗi khi mưa để kịp bơm nước, tránh ngập cho khu vực.

Cũng theo Ban GTĐT, một số tuyến đường nằm trong dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước kênh Hàng Bàng” có cao độ chỉ +1,3m đến +1,5m, thấp hơn so với các trục đường kết nối xung quanh như Hậu Giang, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khỏe… Trong đó có tuyến đường Mai Xuân Thưởng và Gò Công. Tại các thời điểm mưa lớn kết hợp với triều cường, mặt đường các tuyến này thường bị ngập trung bình 30cm. Ban GTĐT đã đề xuất giải pháp gửi UBND TP xin phép bổ sung đầu tư hạng mục nâng cao độ mặt đường, vỉa hè, cũng như nâng cao hiệu quả của tuyến cống thoát nước gói thầu K. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, dân cư trong khu vực vẫn lo ngại giải pháp nâng đường chưa giải quyết được cái gốc của nguyên nhân ngập, liệu nâng đường có lại làm cho nước tràn vào các khu vực thấp hơn là nhà dân?

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục