(SGGP).- Ngày 22-1, Sở LĐTB-XH TPHCM bắt đầu thí điểm đề án điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy (Sở LĐTB-XH).
Đề án có sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật thuộc Bộ Y tế Mỹ (CDC) là bước thực nghiệm nhằm rút ra kinh nghiệm để nhân rộng mô hình cai nghiện tại cộng đồng ở TPHCM trong thời gian tới.
Theo đó, từ năm 2013 – 2015, Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy sẽ tiếp nhận, điều trị nội trú cho khoảng 160 lượt người và bán trú, ngoại trú cho khoảng 500 lượt người. Đây là mô hình điều trị mở, với các hình thức điều trị nội trú, bán trú và ngoại trú theo nhu cầu của người cai nghiện tự nguyện, nhằm giúp họ được cai nghiện nhưng không bị cách ly khỏi cộng đồng; thời gian điều trị từ 1-3 tháng (nội trú), từ 6-12 tháng (ngoại trú).
Mô hình sẽ áp dụng đa dạng các phương pháp điều trị, bao gồm cả các dịch vụ hỗ trợ xã hội, chăm sóc liên tục cho người nghiện ma túy; người cai nghiện tự nguyện được giới thiệu chuyển gửi đến các cơ sở dịch vụ y tế, xã hội để điều trị các bệnh cơ hội, giới thiệu việc làm hay vay vốn giải quyết việc làm.
Đối tượng: người bệnh từ trên 12 tuổi, có đơn đăng ký tự nguyện điều trị ma túy tại cộng đồng, sơ yếu lý lịch, giấy tờ tùy thân; nếu điều trị ngoại trú, gia đình phải cam kết và đủ điều kiện quản lý người nghiện tại gia đình ít nhất 6 tháng. Bệnh nhân thuộc diện chính sách, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện.
Đ.LOAN