Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TPHCM

Thí điểm không thu tiền tăng tiết

Thí điểm không thu tiền tăng tiết

* Mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 100.000 đồng/HS

Thông tin về việc Trường THPT Nguyễn Thái Bình sẽ không thu tiền tăng tiết của học sinh (HS) bắt đầu từ tháng 4-2007 được dư luận hết sức quan tâm. Nhưng liệu đây có phải là một đáp án tối ưu để giải quyết những nghịch lý đặt ra trước ngành giáo dục?

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cho biết:

Xã hội rất muốn nhà trường công khai rõ ràng các khoản thu để PHHS biết rõ thu tiền vào mục đích gì, có khoản thu nào do trường tự đặt ra? Do vậy, nhà trường xin Sở GD-ĐT thí điểm chỉ thu tiền cơ sở vật chất, tiền học phí và những khoản thu trong quy định, đặc biệt không thu tiền tăng tiết của các em nhưng chúng tôi vẫn tổ chức phụ đạo cho HS.

- PV:
Trường có những điều kiện thuận lợi nào khiến ông quyết định xung phong thí điểm?

- Ông LÊ XUÂN DŨNG:
Cũng không hẳn trường có nhiều yếu tố thuận lợi. Trường vốn là trường bán công, điểm chuẩn đầu vào thấp, lại nằm ở khu vực đông dân lao động, thu nhập của các PHHS không đồng đều. Khi trường thu tiền tăng tiết, không phải tất cả PHHS đều đồng ý hết. Phần lớn PHHS đều ủng hộ tăng tiết nếu trường tổ chức đàng hoàng, hiệu quả, tuy nhiên một số PHHS chỉ cho rằng tăng tiết nhằm tăng thu nhập cho người thầy chứ không phải là để phụ đạo HS yếu kém và bồi dưỡng HS giỏi.

Đối với những gia đình khó khăn, PHHS không ủng hộ nhưng cũng không dám phản đối. Họ đã gửi con vào trường chẳng lẽ lại rút con về. PHHS không tin khiến chúng tôi chẳng vui. Chúng tôi muốn PHHS tin tưởng nhà trường tăng tiết xuất phát từ sự quan tâm, chăm lo cho HS.

Thí điểm không thu tiền tăng tiết ảnh 1

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TPHCM. Ảnh: DOANH DOANH

- Trường hoạt động theo cơ chế công lập tự chủ tài chính, chủ yếu dựa vào học phí, tiền tăng tiết để cân đối thu chi. Nếu không thu tiền tăng tiết thì lấy tiền đâu trả lương giáo viên?

- Sở GD-ĐT đã làm việc với Sở Tài chính và đồng ý cấp ngân sách cho trường như trường công lập bình thường. Khoản này sẽ thế vào khoản tăng tiết mà chúng tôi không thu.

- Tức là Trường THPT Nguyễn Thái Bình được ngân sách nhà nước đầu tư bằng với trường công lập (trong khi các trường bán công khác chỉ được cấp 40% ngân sách so với công lập) nhưng trường lại được thu học phí theo mức bán công 110.000 đồng/ tháng/HS?

- Đúng vậy. Và trường đảm bảo thu nhập giáo viên của trường ít nhất phải bằng với mức cũ, nếu thấp hơn thì chúng tôi không làm.

- HS của trường sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nếu các em không phải đóng tiền tăng tiết?

- Nếu không thu tăng tiết, mỗi tháng PHHS sẽ tiết kiệm được ít nhất 100.000 đồng.

- Thông thường ngân sách rót xuống các trường vào mỗi đầu năm học, thời điểm trường thí điểm rơi vào tháng 4. Như vậy có xảy ra tình trạng nợ lương giáo viên khá phổ biến ở một số nơi?

- Ngân sách rót kịp chứ. Về nguyên tắc, Sở GD-ĐT và Sở tài chính đã đồng ý cấp ngân sách để trường thực hiện mô hình này…

- Ngày 6-3, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với hội đồng sư phạm nhà trường trong khi lẽ ra việc này phải tiến hành từ trước. Phải chăng là do không gặp sự đồng lòng trong nội bộ trường?

- Sở xuống trường làm việc để hội đồng sư phạm của trường hiểu mô hình này là chủ trương của cả ngành chứ không phải trường tự động đặt ra, đương nhiên là có xuất phát từ đề xuất của trường. Trường đã trình bày đề án với ban giám đốc Sở GD-ĐT và sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án chặt chẽ hơn.

- Nhiều giáo viên hợp đồng của trường lo lắng sẽ bị ảnh hưởng khi nhà trường thực hiện mô hình này?

- Ngoài tài chính, mô hình này còn liên quan đến nhân sự thực hiện và chất lượng giảng dạy. Nhân sự trường bán công có 2 dạng biên chế và hợp đồng. Tuy nhiên, đề án xây dựng trên nguyên tắc ổn định tổ chức, không làm xáo trộn cuộc sống của người thầy.

- Xin cám ơn ông. 

HỒNG LIÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục