Trong 5 tháng đầu 2019, Samsung và Oppo là 2 thương hiệu liên tục giữ ngôi đầu và ngôi nhì thị trường smartphone Việt Nam. Riêng trong tháng 5, Samsung chiếm 44,7%, kế tiếp là Oppo 24,9%, Apple 7,2%, Xiaomi 5,7%, Realme 3,9%... Riêng Huawei, dù tháng 4 là 4,5%, nhưng sau “sự cố ngày 20-5” thì trong tháng 5, “thương hiệu lẫy lừng toàn cầu” này đã tụt xuống hạng 9 với khoảng 1,5% thị phần.
Với nhóm hàng smartphone của các thương hiệu Việt, dễ dàng nhận thấy đang từ từ… đi xuống. Nếu tính từ tháng 4 đến nay, trong bảng xếp hạng 10 thương hiệu có tiếng theo số liệu thống kê của GfK Việt Nam, nghĩa là thị phần còn thấy màu hiển thị thị phần, chỉ còn mỗi cái tên Vsmart!
Tháng 4, Vsmart đứng thứ 9 trong danh sách trên, với thị phần khoảng 2,1% - tương đương 1,083 triệu máy. Tháng 5, thương hiệu Vsmart vẫn còn tồn tại trong nhóm 10. Dù được nâng lên hạng 8 (Huawei tụt xuống hạng 9) nhưng tỷ lệ thị phần của thương hiệu Việt này tụt xuống 1,9%. Nhờ vào số lượng máy bán ra trong tháng 5 tăng mạnh mà số lượng máy bán ra của Vsmart có tăng lên chút đỉnh - 25.669 máy.
Chưa có số liệu tháng 6-2019 nhưng theo các nhà bán lẻ, lượng máy tiêu thụ của các thương hiệu Việt nói chung, của Vsmart nói riêng, dự báo là tệ hại hơn vì sức càn lướt của các thương hiệu lớn. Cộng vào đó, những sản phẩm của Vsmart đang ở cuối chu kỳ kinh doanh vì đã xuất hiện trên thị trường hơn 6 tháng (những sản phẩm đầu tay của Vsmart chính thức xuất hiện vào cuối tháng 12-2018).
Là thương hiệu được đầu tư về nhà máy, tiếp thị, truyền thông có bài bản mà còn khó khăn như vậy, thử hỏi những tên tuổi Việt khác trong nhóm hàng smartphone như Bphone, Mastel, Asanzo sao có thể tồn tại được? Theo quan sát của chúng tôi, những tên tuổi trên chưa hề xuất hiện trong bảng xếp hạng của GfK Việt Nam. Sau sự cố cách đây vài tuần, những chiếc smartphone mang tên Asanzo đã phải “nhập kho” để làm kỷ niệm.
Với việc xuất hiện tại thị trường Myanmar, đại diện của Vsmart và Bphone đều cho rằng “muốn giới thiệu những sản phẩm công nghệ cao, có thể cạnh tranh ngang hàng với các đối thủ”. Cần chú ý, cả 2 thương hiệu này đều nhờ vào một bàn tay Việt khác: nhà mạng di động Mytel - liên doanh giữa Viettel và các đối tác ở Myanmar. Chưa nói được về số phận của 2 thương hiệu này. Tuy nhiên, tại thị trường 54 triệu dân của Myanmar, dù dễ tính đến mấy nhưng có đến 40 thương hiệu với những cái tên quen thuộc như Samsung, Oppo, Xiaomi, Honor, Realme, Huawei…, thì rõ ràng Vsmart và Bphone không thể có giấc ngủ ngon!