
Ngày 15-2, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp để thống nhất các vấn đề chuẩn bị cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2005. Sau cuộc họp, 10 điều cần ghi nhớ của thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2005 đã được ban hành. Trước ngày 5-3, toàn bộ những tài liệu liên quan đến đợt tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 sẽ được công bố rộng rãi.
- Thí sinh được phép chọn địa điểm thi
Theo ông Đỗ Duy Dự – Thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh, một trong những vấn đề được Bộ GD-ĐT thống nhất thực hiện trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 là dành cho các thí sinh quyền lựa chọn địa điểm thi phù hợp nhất đối với mình. Theo đó, các thí sinh được quyền đăng ký địa điểm, trường thi bất kỳ, phù hợp với khối thi và nhu cầu đi lại của mình. Trong khi đó, phiếu đăng ký thi tuyển sinh năm nay sẽ có sự thay đổi.

Thi sính có thể góp ý qua mạng về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tại mục 2 của phiếu, thí sinh sẽ phải đăng ký trường có nguyện vọng thi và ở mục 3 sẽ đăng ký trường có nguyện vọng học (tức là nguyện vọng 1). Như vậy, nguyện vọng về nơi thi và nguyện vọng nơi học có thể khác nhau.
Chẳng hạn, với thí sinh thi trượt các năm trước, hiện đang ôn thi xa nơi đăng ký hộ khẩu, năm nay không cần về địa phương để nộp hồ sơ và tham gia thi tuyển mà chỉ cần nộp hồ sơ trực tiếp vào trường có nguyện vọng thi và thi ở đó. Ông Dự cho biết, đây là một việc làm chuẩn bị cho ý tưởng thực hiện thi ĐH, CĐ tại chỗ cho tất cả các thí sinh trên cả nước.
Do đã đăng ký nguyện vọng thi và nguyện vọng học trong phiếu đăng ký thi tuyển, nên sau khi thi và có kết quả, nếu không đạt nguyện vọng 1, thí sinh không phải nộp thêm bất cứ một loại đơn từ xin xét tuyển nào khác, ngoài hồ sơ xét tuyển. Những trường tổ chức thi sẽ tổ chức chấm thi theo đáp án chung của Bộ, sau khi có kết quả sẽ in giấy chứng nhận kết quả thi và phiếu báo kết quả thi gửi về cho trường mà thí sinh đó có nguyện vọng 1 muốn học. Sau đó, trường này sẽ gửi đến cho thí sinh và thông báo trúng tuyển hay không. Nếu không trúng nguyện vọng 1, thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi tuyển (khi điểm thi cao hơn điểm sàn) để làm hồ sơ xin xét tuyển nguyện vọng 2 hoặc 3.
Năm nay, thí sinh sẽ có 3 cơ hội xét tuyển chính với 3 nguyện vọng đã đăng ký trong hồ sơ: Nguyện vọng 1 được xét trước ngày 20-8; nguyện vọng 2 xét từ 25-8 đến 10-9; nguyện vọng 3 xét từ 15-9 đến 30-9. Ngoài 3 nguyện vọng này, thí sinh còn được dự thi vào các trường cao đẳng tổ chức tuyển sinh theo đề riêng (khoảng từ ngày 16 đến 22-7). Thí sinh còn có thể dùng kết quả thi tuyển của mình để xin xét tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp.
Tất cả thí sinh khi tham gia nộp hồ sơ xin xét tuyển vào trường không tổ chức thi, đều được xét đúng khối thi và quyền lợi giống nhau. Không có việc ưu tiên cho thí sinh của trường đó mà không đủ điểm đạt nguyện vọng 1, phải xét nguyện vọng 2. Theo ông Dự, để tránh tình trạng lộn xộn và tiêu cực trong việc nhận hồ sơ xin xét tuyển, Bộ quy định rõ, tất cả hồ sơ xin xét tuyển đều phải gửi qua đường bưu điện và ngoài lệ phí bưu điện, lệ phí xét tuyển, thí sinh không phải đóng thêm khoản tiền nào.
Đề thi sẽ không quá khó và trước 20-8 sẽ có điểm sàn chung
Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn chủ trương việc ra đề thi giống như năm 2004. Cụ thể là phải bám sát chương trình SGK THPT và chủ yếu là nội dung lớp 12. Dự kiến đề thi sẽ không quá khó, không đánh đố, lắt léo, gài bẫy.
Về thời điểm thông báo điểm sàn, theo một thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh, sau khi có kết quả thi, các trường sẽ gửi về Bộ kết quả cũng như toàn bộ dữ liệu thi và chấm thi để Bộ rà soát (góp phần chống tiêu cực), cân đối các nguyện vọng cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Trước ngày 20-8, Bộ sẽ thông báo điểm sàn cho từng khối thi. Điểm sàn sẽ chung cho toàn quốc, không có sự phân chia trường và vùng. Việc xét điểm ưu tiên cho các đối tượng và khu vực vẫn giữ nguyên như năm trước: giữa các đối tượng ưu tiên sẽ có chênh lệch 1 điểm; giữa các khu vực ưu tiên sẽ chênh lệch 0,5 điểm.
- Hồ sơ đăng ký dự thi theo từng địa phương
Năm nay, Bộ GD-ĐT không in và phát hành chung hồ sơ đăng ký dự thi mà giao cho các Sở GD-ĐT in theo mẫu thống nhất. Thay bằng việc hồ sơ có dấu đỏ của Bộ GD-ĐT, năm nay hồ sơ tuyển sinh ở địa phương nào sẽ có dấu đỏ của Sở GD-ĐT ở địa phương đó. Thí sinh khi mua hồ sơ cần lưu ý về việc các trường nằm trên địa phương nào chỉ nhận hồ sơ có dấu của Sở GD-ĐT địa phương đó. Giá của một bộ hồ sơ dự thi ĐH, CĐ vẫn giữ nguyên giá cũ: 1.200 đồng/bộ. Lệ phí đăng ký dự thi là 40.000 đồng/hồ sơ (nếu thi ngành năng khiếu thì nộp 80.000 đồng/hồ sơ); đối với các ngành có yêu cầu sơ tuyển thì lệ phí sơ tuyển là 40.000 đồng/hồ sơ. Khi đến phòng thi, thí sinh sẽ nộp lệ phí dự thi 20.000 đồng.
Về việc ưu tiên nhân đôi điểm một số môn đặc thù, năm nay, chỉ được áp dụng với một số môn thi năng khiếu (vào các ngành âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao) và ngoại ngữ (khi thi vào chuyên ngành ngoại ngữ đó). Các ngành thi khối D nói chung đều không được nhân đôi hệ số môn ngoại ngữ.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm nay có xu hướng là một số trường xin tuyển sinh ngành công nghệ thông tin bằng thi khối D. Đây là một xu hướng tất yếu và sẽ khiến cho thí sinh thi khối D tăng nhiều hơn so với những năm trước.
TRẦN BÌNH