Việc Tập đoàn Vingroup “thâu tóm” toàn bộ chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị Maximark mới đây cho thấy các thương hiệu bán lẻ tư nhân, có quy mô nhỏ “thuần Việt” đang ngày càng rơi rụng và suy yếu dần trước sự lớn mạnh của các “đại gia” mạnh về tài chính hoặc có nhiều kinh nghiệm trong ngành.
Saigon Co.op liên kết với NTUC FairPrice (Singapore) mở đại siêu thị Co.opXtra Plus tại TPHCM
Bán hoặc lặng lẽ biến mất?
Sự kiện Công ty cổ phần Đầu tư An Phong, chủ đầu tư chuỗi TTTM và siêu thị Maximark đột ngột bán toàn bộ chuỗi kinh doanh của mình cho Tập đoàn Vingroup đã gây sự chú ý của nhiều người. Họ quan tâm vì đây là một trong số rất ít những thương hiệu bán lẻ tư nhân trong nước còn trụ trên thị trường và được đánh giá cao về khả năng cạnh tranh trước áp lực mở rộng và thâu tóm của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Thế nhưng, chủ nhân của nó đã quyết định rút khỏi thị trường này chỉ sau 2 tuần kể từ khi phía mua bắt đầu thương thảo.
Tại TPHCM, Maximark có 2 TTTM lớn đang hoạt động trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) và trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) cùng hai trung tâm lớn khác đang xây dựng ở quận Gò Vấp và ở quận 2 với vị trí đắc địa không kém. Ngoài ra ở các thành phố khác như Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Biên Hòa, Maximark cũng có một điểm bán và đặt ở những tuyến đường trung tâm. Do đó, việc Vingroup “thâu tóm” toàn bộ chuỗi kinh doanh Maximark để mở rộng chuỗi kinh doanh của mình được giới kinh doanh đánh giá là rất chiến lược. Vingroup cũng cho biết việc mua lại toàn bộ hệ thống Maximark nằm trong chiến lược mở rộng quy mô trên toàn quốc, đặc biệt là tại thị trường phía Nam của hệ thống phân phối, bán lẻ thuộc Vingroup với hai thương hiệu Vincom và Vinmart.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, toàn bộ các TTTM - siêu thị Maximark với 9 điểm bán sẽ được chuyển đổi thành các siêu thị VinMart/VinMart+ thuộc hệ thống Vinmart, hoặc sẽ trở thành thành viên của hệ thống Vincom Retail với thương hiệu Vincom. Như vậy, thương hiệu bán lẻ Maximark gần 20 năm xây dựng sẽ không còn. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, người khai sinh ra thương hiệu này cũng cho biết sẽ không tiếp tục kinh doanh ngành này.
Maximark đã nối dài danh sách các thương hiệu bán lẻ tư nhân hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh bán lẻ phải rời thị trường hoặc lặng lẽ ra đi. Trước Maximark, Công ty G7 (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên) cũng phải nói lời chia tay với Công ty TNHH Ministop (thành viên của tập đoàn Aeon - Nhật Bản) sau 5 năm hợp tác phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop lên 500 điểm không thành và chỉ dừng lại ở 17 điểm bán. Đây là lần thứ hai Trung Nguyên rút khỏi lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, sau chuỗi cửa hàng G7 Mart đã ngắc ngoải trước đó. Sau khi chia tay với G7, Ministop đã bắt tay với tập đoàn đồng hương Sojitz để tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu phát triển 800 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 10 năm.
Tập đoàn C.T Group cũng đã khai sinh chuỗi siêu thị S.Mart và đặt mục tiêu phát triển được 20 điểm bán trong vòng 3 năm hoạt động, nhưng giờ đây siêu thị S.Mart đầu tiên đã được chuyển thành Simply Mart, một thương hiệu siêu thị của AuchanSuper - tập đoàn bán lẻ đến từ Pháp!
Doanh nghiệp ngoại tiếp tục “tấn công”
Trong khi các thương hiệu bán lẻ “thuần Việt” đang dần mờ nhạt và biến mất thì thị trường trong nước lại chứng kiến sự xâm nhập và lớn mạnh của các thương hiệu nước ngoài. Ngoài những tên tuổi lớn như Aeon, Metro Cash & Carry, Lotte, Big C, Parkson, Robins, B’s Mart, Ministop, Family Mart, Circle K… đang phát triển và mở rộng, thì hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới chưa có mặt cũng chuẩn bị xuất hiện. Đó là nhà bán lẻ E-mart đến từ Hàn Quốc sẽ khai trương TTTM đầu tiên ở quận Gò Vấp vào cuối năm nay. Ông Choi Kwang Ho, Tổng Giám đốc Công ty TNHH E-mart Việt Nam, cho biết E-mart đầu tiên có diện tích đến 3ha với vốn đầu tư 60 triệu USD. Ngoài ra, E-mart cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng TTTM thứ hai tại TPHCM, đặt ở quận Tân Phú.
Tương tự, Tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản cho biết sẽ mở cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 và đặt tại TPHCM. Mục tiêu của Seven & I Holdings là phát triển được 100 siêu thị sau 3 năm và nhân lên thành 1.000 siêu thị sau 10 năm bước vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn bán lẻ Takashimaya của Nhật có thâm niên hơn 180 năm hoạt động đang chọn Trung Quốc và ASEAN là hai trục thị trường trọng điểm để phát triển trong tương lai, trong đó Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Dự kiến giữa năm tới, Takashimaya sẽ có trung tâm mua sắm đầu tiên đặt tại tòa nhà Saigon Centre ở khu vực trung tâm quận 1 (TPHCM), với khoảng 15.000m² sàn bán lẻ.
Đối với các nhà bán lẻ trong nước thì Takashimaya là đối thủ đáng gờm, bởi theo họ các tín đồ mua sắm Việt Nam khi sang thăm Singapore, chắc không ai không biết tòa nhà Takashimaya. Nằm ở vị trí trung tâm của đường Orchard, Takashimaya Singapore đã đang tự gầy dựng dần trở thành điểm nhấn ở Singapore.
Có thể thấy thị trường bán lẻ trong nước những năm gần đây đang đảo lộn với các thương vụ, từ mua bán - sáp nhập, liên kết, bán cổ phần cho đến đóng cửa. Tại diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2015 (M&A Việt Nam 2015) được tổ chức tại TPHCM mới đây, giới đầu tư đánh giá lĩnh vực bán lẻ Việt Nam tiếp tục trở thành những giao dịch M&A đáng chú ý trong thời gian tới. Điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay là mảng phân phối hiện đại còn thấp (chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ), trong khi có tới hơn 70% là những người dưới 40 tuổi, thuộc nhóm khách hàng mục tiêu của các hãng bán lẻ.
XUÂN LỘC