Chưa có năm nào, thị trường bánh Trung thu lại rơi vào tình trạng ế ẩm như năm nay. Cũng chưa có năm nào các điểm bán phải đồng loạt hạ giá bán để thu hút người mua nhằm đẩy mạnh lượng hàng bán ra, thu hồi vốn.
Kết thúc mùa sản xuất bánh Trung thu 2016, chủ một doanh nghiệp (DN) ở quận 3 (đề nghị giấu tên) có thâm niên hơn 50 năm gọi điện than trời với PV Báo SGGP rằng, sản lượng bánh đưa ra thị trường năm nay chỉ đạt được khoảng 50% so với năm ngoái!
Theo đó, hầu hết các đơn hàng nhận được từ nhiều đối tác là siêu thị, DN đều thấp hơn những năm trước. Cũng theo chủ DN này, hàng năm chỉ cần trông vào một mùa sản xuất bánh Trung thu là đủ no cho cả năm. Nhưng với tình hình như hiện nay, DN đã bị thất thu nặng, vì hầu hết các loại nguyên liệu được chuẩn bị để sản xuất bánh sẽ không chờ được cho đến năm sau.
“Năm nay, đích thân chị ngồi nhận đơn hàng qua điện thoại để có thể quyết định mức chiết khấu ngay lập tức cho khách. Với những đơn hàng nhỏ, khoảng dưới 10 hộp công ty sẽ giảm ngay 20%, còn nhiều hơn sẽ giảm 30% - 35%. Ngay cả khách đặt một hộp cũng là quý em à. Bán được hộp nào sẽ vớt vát bớt phần đó”, chủ DN nói.
Một cửa hàng bán bánh trung thu ở quận 8 tối 10-9 thưa thớt người mua. Ảnh: THÀNH TRÍ
Dạo một vòng thị trường các điểm bán bánh Trung thu ở một số quận như Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, chúng tôi nhận thấy thương hiệu bánh Trung thu nào cũng còn đầy ắp trong các tủ kính. Người bán vẫn đông hơn người mua. Tình trạng bánh đại hạ giá theo kiểu “mua 1 tặng 1” hoặc với các thương hiệu nổi tiếng thì “mua 2 tặng 1” trở nên rất phổ biến tại các điểm bán.
Còn một thực tế chưa từng diễn ra trong tiền lệ ở thị trường bánh Trung thu, mặc dù Tết Trung thu đã rất cận kề, nhưng đến nay một số thương hiệu bánh có sản lượng lớn chi phối thị trường vẫn chưa công bố mức độ tiêu thụ, thậm chí ngay từ đầu vụ còn không dám đưa ra sản lượng dự kiến.
Theo phân tích của một số chuyên gia thị trường, sức mua bánh Trung thu chậm là do DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do những tháng đầu năm 2016, DN phải chịu thêm khá nhiều chi phí phát sinh như mức chiết khấu hàng hóa cho các nhà phân phối tăng thêm từ 3% - 5%, phí vận chuyển và phí lưu kho tăng, đặc biệt là mức tăng tiền lương vùng ở mức bình quân 12,4% kể từ ngày 1-1-2016 khiến các DN phải thận trọng nhiều hơn trong việc chi tiêu.
Tại nhiều đơn vị sản xuất có số đông người lao động như ngành dệt may đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Xuất khẩu trong những tháng đầu năm bị sụt giảm nghiêm trọng. Tại nhiều DN đang bị thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm. Với nhiều DN khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản chi mua bánh Trung thu năm nay cũng bị dừng lại.
Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh thiết bị viễn thông khẳng định, khoản chi để mua bánh không phải là ưu tiên hàng đầu của công ty. Tương tự, chị Hân, có con trai đang học lớp 7 ở quận 3 cũng cho rằng, đều đặn hàng năm chị đều đặt 10 phần bánh để tặng ban giám hiệu và các thầy cô. Nhưng đây là năm đầu tiên chị Hân ngưng mua bánh để bù vào các khoản phát sinh khác trong chi tiêu gia đình.
Số liệu thống kê không chính thức cho thấy, mùa Trung thu 2015 các DN tung ra sản lượng gần 5.000 tấn bánh các loại. Theo tính toán, nếu giá bán bình quân khoảng 350.000 - 500.000 đồng/hộp thì người Việt Nam đang chi khoảng 2.000 - 2.250 tỷ đồng để mua bánh. Đáng lưu ý, những năm trước mặc dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất của thị trường bánh Trung thu vẫn đạt mức bình quân từ 10% - 15%. Năm nay, tình hình đã khác đi rất nhiều khi DN thắt chặt chi tiêu vì nhiều nguyên nhân.
Với những gì đang diễn ra, có thể trong một vài năm tới, thị trường bánh Trung thu sẽ không còn là mảng kinh doanh màu mỡ, bởi ai có nhu cầu “ăn thì mới mua”, thay vì “người mua thì không ăn, người ăn thì không mua” như những năm vừa qua.
Thúy Hải