Thị trường cao su Việt Nam: Chuyển đổi phù hợp cơ cấu thị trường

Cơ hội lớn
Thị trường cao su Việt Nam: Chuyển đổi phù hợp cơ cấu thị trường

Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Ruber Group-VRG), trong 10 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt trên 1,6 tỷ USD và dự kiến đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm nay.

Thu hoạch mủ cao su tại Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Thu hoạch mủ cao su tại Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Cơ hội lớn

Theo VRG, tình hình sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới đang thuận lợi cho cao su xuất khẩu của VN. Hiện sản xuất cao su ở các nước châu Á chiếm 94% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới, trong đó, Thái Lan đứng đầu với 3,27 triệu tấn, kế tiếp là Indonesia (2,59 triệu tấn), Malaysia (1 triệu tấn), Ấn Độ (879.000 tấn) và VN đứng thứ 5 (770.000 tấn). Đáng chú ý, Malaysia và Ấn Độ tuy sản lượng cao su cao nhưng lại tiêu thụ cao su lớn trên thế giới.

Ấn Độ với nền công nghiệp ô tô giá rẻ đang phát triển nhanh khiến nước này tiêu thụ cao su vượt qua cả Mỹ, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Năm 2010, Ấn Độ dự kiến nhập khẩu 120.000 tấn cao su và ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 15% trong năm nay. Trong khi đó từ năm 2009, sản xuất cao su thiên nhiên ở nước này đã giảm 6,9%.

Dự báo năm 2011, Ấn Độ sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn cao su thiên nhiên, so với sản lượng trong nước, Ấn Độ cần phải nhập khẩu trên 100.000 tấn cao su.

Riêng Trung Quốc, đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng cao su (660 ngàn tấn) nhưng là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn cao su các loại, trong đó cao su thiên nhiên chiếm 1,6 triệu tấn. Năm 2010, nhu cầu cao su của nước này tiếp tục tăng bởi công nghiệp ô tô Trung Quốc phát triển nhanh và dự kiến bán được gần 16 triệu xe trong năm nay, tăng 20% so với 2009. Đây cũng là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Trong khi đó tỷ lệ vườn cây cao su già gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất cao su của Trung Quốc.

 Một yếu tố nữa tạo thuận lợi cho cao su VN đó là việc Chính phủ Thái Lan áp dụng phụ thu mới cho tái canh (cess), trước đây 1,4 baht/kg nay có thể lên tới 5 baht/kg. Điều này sẽ tác động lên giá cao thiên thiên nhiên vì Thái Lan sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới nên sẽ tác động lên giá của nhiều quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên khác.

Theo dự đoán của một số tổ chức quốc tế, sau khủng hoảng kinh tế thế giới, tiêu thụ cao su tăng mạnh vào năm 2010 (8,6%) và 2011 (4,6%), sau đó chỉ tăng nhẹ đến năm 2020 (khoảng 3%-4% hàng năm). Như vậy, với những điều kiện thuận lợi trên đây, năm 2011 vẫn là thời hoàng kim cho cao su VN.

Hướng tới xuất khẩu bền vững

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, hiện lượng cao su VN xuất qua Trung Quốc chiếm trên 50% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Còn xuất chính ngạch qua Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 9%. Xuất khẩu mậu biên có những lợi ích nhất định vì được phía Trung Quốc áp dụng thuế suất nhập khẩu thấp hơn so với xuất khẩu chính ngạch nên tạo lợi thế cho cao su VN so với các nước. Hơn nữa thị trường Trung Quốc cũng không đòi hỏi cao về chất lượng, bao bì đóng gói nên hàng chất lượng nào cũng bán được...

Theo bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), diện tích trồng mới trong giai đoạn từ 2005-2008 đã tăng đáng kể do giá tăng đã khuyến khích nhiều nước mở rộng diện tích và dự kiến từ năm 2012-2017 sẽ có thêm 1,7 triệu ha trồng mới trên thế giới được đưa vào khai thác. Có thể trong giai đoạn này xu hướng cung vượt cầu sẽ tạo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp cao su, còn người tiêu thụ có nhiều cơ hội chọn lựa các nguồn cung cấp nên sẽ đòi hỏi nghiêm ngặt hơn về điều kiện thương mại và chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn VRG cũng cho rằng: cho dù đang ở giai đoạn giá cao su tốt nhất trong lịch sử, có lúc giá cao su VN đạt tới mức kỷ lục trên 4.000 USD/tấn (tương đương trên 80 triệu đồng/tấn), nhưng trong tương lai cần phải tính đến chiến lược thị trường lâu dài, nếu không sẽ lúng túng trong vấn đề tiêu thụ khi cung cầu cao su thế giới thay đổi từ thiếu sang thừa.

Tại hội nghị bàn về biện pháp tiêu thụ và xuất khẩu cao su cho các DN Tây Nguyên và duyên hải miền Trung do VRG tổ chức mới đây tại Gia Lai, ông Nguyễn Thành Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện các hợp đồng xuất khẩu dài hạn để ổn định đầu ra, chủ động kế hoạch sản xuất, giá bán bình quân tốt hơn khi giá thị trường giảm.

Theo ông Tường, để vừa có thể tiêu thụ ổn định, vừa có giá bán tốt, nên xuất khẩu bằng hợp đồng dài hạn 60%-70% sản lượng, phần còn lại tham gia thị trường chuyến để không mất cơ hội khi giá lên.

Đại diện Công ty Cao su Đồng Phú cho biết: trước đây tiêu thụ cao su của Đồng Phú gặp nhiều khó khăn do chủ yếu tập trung sản xuất chủng loại SVR 3L (chiếm tỷ lệ 84% sản lượng), tiêu thụ chủ yếu qua thị trường mậu biên Trung Quốc. Nhưng từ năm 2000 đến nay, mặc dù thiếu vốn công ty vẫn mạnh dạn vay vốn đầu tư dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ mủ SVR 3L từ trên 80% xuống còn trên 40%, đồng thời sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác như Latex (mủ ly tâm), SVR 20, SVR 10, SVR 5… Nhờ đó thị trường tiêu thụ của công ty đến năm 2010 đã mở rộng sang nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Singapore...

Một trong những biện pháp quan trọng nhằm tăng cường tính bền vững cho việc xuất khẩu và tiêu thụ cao su là cần tăng cường cung cấp nguyên liệu cho các nhà công nghiệp chế biến cao su trong nước.

Nhu cầu cao su thiên nhiên trong nước dự kiến từ 16% hiện nay sẽ tăng lên 30% vào những năm 2020, tương đương khoảng 300.000 - 400.000 tấn/năm. Các DN cần đảm bảo chất lượng và bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để có thể mở rộng thị trường, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, kể cả thị trường Trung Quốc.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục