Thị trường chứng khoán gặp khó: Cơ hội "đổi đời” từ tích lũy cổ phiếu

 Các chuyên gia tại toạ đàm thừa nhận, bản thân là nhà đầu tư chuyên nghiệp, làm trong lĩnh vực chuyên về đầu tư cũng “sứt đầu mẻ trán” trong giai đoạn đầu tư từ đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn như hiện nay lại có thể là cơ hội "đổi đời” của nhà đầu tư.
Quang cảnh buổi tọa đàm ngày 27-9
Quang cảnh buổi tọa đàm ngày 27-9

Tại buổi tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới' do VietnamBiz và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức tại TPHCM ngày 27-9, các chuyên gia về tài chính nhận định, kênh đầu tư chứng khoán đang kém hấp dẫn trong ngắn hạn. Với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và sau dịch, dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) để đưa vào sản xuất kinh doanh nên trong ngắn hạn, kênh đầu tư khó tăng trưởng.

Trong bối cảnh chung của TTCK thế giới gặp nhiều khó khăn, đối với Việt Nam, tình hình chính trị ổn định, rủi ro suy thoái thấp khi GDP của quý I và II đều tăng trưởng dương. Ngân hàng Nhà nước mới tăng lãi suất một lần vào ngày 22-9, lạm phát được kiểm soát dưới 4% nhưng VN-Index hiện cũng đã giảm 21,6% so với đầu năm, tương đương với mức giảm của các chỉ số chứng khoán Âu – Mỹ và đang chìm trong vùng thị trường gấu. Riêng trong tháng 9 (tính đến hết 26-9), VN-Index đã mất 8,3% và khối ngoại đã bán ròng hơn 2.900 tỷ đồng. 

Lý giải TTCK giảm mạnh, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng, TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay có xu hướng điều chỉnh sau 2 năm tăng “nóng”.

Giá trị giao dịch trên sàn HOSE có xu hướng giảm mạnh từ mức đỉnh 2021. Việc thanh khoản giảm chủ yếu do nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường. Họ liên tục mua ròng từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2022. Trong tháng 4 đến tháng 8-2022, nhà đầu tư cá nhân đã liên tục rút ròng với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng do bối cảnh dòng tiền thắt chặt, lãi suất tăng khiến chi phí vốn đầu tư tăng.

“Chỉ số sụt giảm khiến kênh đầu tư chứng khoán bớt hấp dẫn, nền kinh tế mở cửa dẫn tới nhiều nhà đầu tư rút tiền ra khỏi chứng khoán để quay lại sản xuất, kinh doanh”, ông Châu cho hay.

Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT lại có một cái nhìn khác, khách quan hơn và cho rằng, trong bối cảnh TTCK khó khăn như hiện nay lại có thể là cơ hội "đổi đời” của nhà đầu tư. Theo ông Tuấn, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng thì ông đặc biệt ưa thích thích giai đoạn này.

“Đây là giai đoạn để nhà đầu tư lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua; có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”, ông Tuấn nói. Song theo ông Tuấn, việc đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro của từng người. Ông Tuấn cho biết, trong bối cảnh hiện nay, những nhà đầu tư  tuổi về hưu thì ông sẽ ưu tiên khuyến nghị chọn kênh gửi tiết kiệm để lấy lãi suất.

Nhiều ý kiến tại đây cũng cho rằng, TTCK được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn, nhưng vẫn sẽ có những cổ phiếu có thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau. Hiện TTCK Việt Nam được đánh giá vẫn hấp dẫn khi P/E (giá thị trường/thu nhập của cổ phiếu) hiện tại khoảng 12x, trong khi các thị trường khác (Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia) đều cao hơn Việt Nam nhiều (khoảng 16x). Mặt khác trong những cuộc khủng hoảng sẽ có những cơ hội tuyệt vời để nhà tích lũy cổ phiếu trong dài hạn từ 3-5 năm.

Tại đây, Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra một số nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng gồm: ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế  như bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; Cổ phiếu hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc kết quả kinh doanh phục hồi từ đáy; các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. 

Tin cùng chuyên mục