Thế nhưng, trong gần 1 tháng gần đây, cơn sốt giá trên gần như đã giảm nhiệt. Giao dịch thị trường ở phân khúc này đã giảm xuống gần 30% so với trước, sức mua đã không còn “nóng” như trước.
Đất nền ở khu Đông đã hạ nhiệt hơn 1 tháng qua
Theo giới phân tích thị trường, trong hơn 1 tháng qua, nhu cầu giao dịch đất nền tại khu vực TPHCM đã giảm nhiệt, có một số khu vực thị trường đã băng ngang. Nếu cách đây vài tháng nhu cầu sở hữu đất tại một số khu vực: khu Nam, khu Đông của thành phố lượng người tham gia “sân chơi” đất nền rất sôi động, nhiều dự án vừa ra hàng là hết liền tay, nhưng nay gần như người đi tìm mua đã giảm hẳn, phần lớn chỉ có người đầu tư giai đoạn đầu ôm hàng bây giờ đi “ký gửi” các đơn vị môi giới. Đại diện một đơn vị môi giới bất động sản nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, cho biết, trong 1 tháng gần đây, giao dịch đất nền bất ngờ giảm mạnh, lưu lượng mua bán chỉ đạt khoảng 40% so với đỉnh tháng 4-2018 và thanh khoản sụt giảm gần 60% so với trước đây. Giá cả không có nhiều biến động, đa phần trong xu hướng đi ngang và vẫn còn ở “trong khung” chứ không có dấu hiệu giảm chung, có chăng chỉ ở một vài dự án có vị trí không thuận lợi trong phân khúc hạng trung.
Lý giải điều này, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại quận 9, cho rằng, sở dĩ thị trường đã hạ nhiệt nhưng giá đất vẫn còn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm nhiều, vì phần lớn người mua trước đây là giới đầu tư, còn người mua vì nhu cầu thật rất ít. “Tôi cho rằng thị trường đất nền gần đây sôi động có trên 85% là người mua đầu tư, còn người mua vì nhu cầu thật để xây nhà ở thì không nhiều. Vì vậy, cho dù thị trường có giảm nhiệt đi nữa thì phần lớn họ vẫn ôm hàng chờ chứ không nhất thiết phải giảm giá sâu được…”, vị giám đốc này cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân giao dịch đất nền bị sụt giảm là do rổ hàng đặc thù này trên thị trường hiện nay đã khan hiếm nguồn cung mới. Cùng với đó, giá đất nền bán thứ cấp trên thị trường giá không hè rẻ, mức tăng bình quân 35-50% so với năm trước và tăng 100-200% trong 12-18 tháng qua. Điều này khiến giới đầu tư mới gia nhập thị trường có sự cân nhắc khi mua vào, nhà đầu tư cũ thì chấp nhận ôm hàng chờ giá phù hợp. Ngoài yếu tố trên, việc tách thửa theo Quyết định 60 đã có hiệu lực nhưng diễn biến khá chậm so với nhịp chảy của thị trường. Đây là nguyên nhân nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, cân nhắc kỹ hơn khi giao dịch đất nền.
Ghi nhận của chúng tôi tại một số sàn giao dịch trên địa bàn quận 9, quận 2, Hóc Môn, Bình Chánh…, khách giao dịch trong những tháng vừa qua phần lớn là dân đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời. Có gần 90% người mua là để lướt sóng, mua đi bán lại, nếu bán nhanh không được giá thì chấp nhận “ôm” để 6 tháng đến 1 năm, thậm chí chấp nhận xây nhà rồi bán lại chứ không giảm giá sâu. Nhiều đơn vị môi giới ở khu Nam thành phố cho biết, nhiều tháng trước có rất đông người về khu vực Bình Chánh tìm mua đất để xây nhà ở, vì không thích ở chung cư. Nhưng sau một tháng thấy giá đất lên cao, họ đã quyết định bán luôn để kiếm lời. Đây là nhóm đầu tư không có chủ đích, họ đến với thị trường từ nhu cầu thực nhưng lại chuyển sang bán đất khi thấy sinh lời nhiều…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đưa ra nhận định, thời điểm này, chỉ 10% người mua vào có nhu cầu sử dụng thật sự, 90% còn lại chủ yếu là mua đi bán lại. Với chu trình người này mua rồi bán lại cho người khác để kiếm lời, cứ chuyển nhượng như vậy thì người chịu thiệt là người mua cuối cùng vì khi đó, giá đã được đẩy lên mức cao. Hiện giá đất ở TPHCM vượt quá xa với giá thực tế của thị trường nên khách mua phần nhiều vẫn là đầu tư.