Từ sau chủ trương xã hội hóa điện ảnh, các cụm rạp chiếu phim tư nhân hiện đại: MegaStar Movie, Lotte Cinema, Galaxy Cinema, BHD… ra đời và hệ thống rạp quốc doanh, rạp cổ phần hóa được nâng cấp, là điểm đến thường xuyên của khán giả ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai… Thế nhưng, bên cạnh tín hiệu hồi sinh và phát triển thị trường rạp chiếu ở các TP lớn, không ít rạp quốc doanh ở các tỉnh, thành đã bị xóa sổ và phần lớn các đội chiếu bóng phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa chỉ hoạt động lay lắt.
- Èo uột
Theo thống kê, hiện tại cả nước có khoảng 90 rạp quốc doanh nhưng liệu con số này còn tồn tại trong bao lâu khi một số rạp địa phương đã rơi rụng hoặc chuyển đổi sang kinh doanh như ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Có thực trạng, phim mang về địa phương không còn rạp chiếu! Tuy nhiên, vẫn còn một số Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận… cố gắng cầm cự trong thời kỳ khó khăn.
Vượt qua những thử thách này, theo ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Bến Tre, địa phương cố gắng duy trì hoạt động rạp chiếu một phần cũng nhờ tinh thần yêu nghề, mong muốn mang văn hóa phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa của anh em đội chiếu bóng. TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa có rạp nhà nước, vừa có rạp tư nhân. Nhưng theo ông Trần Cảnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Đồng Nai, kết quả khảo sát cho thấy đời sống văn hóa của công nhân quá nghèo nàn. Cho nên, đây cũng là đối tượng quan tâm số một của 8 đội chiếu bóng lưu động tỉnh nhà.
Với chủ trương “xóa đói văn hóa”, tạo cơ hội thưởng thức nghệ thuật cho công nhân, đội chiếu phim đã phối hợp cùng công đoàn các khu công nghiệp, tổ chức cho anh chị em công nhân thi hát karaoke và xem phim miễn phí. Tính ra, mỗi tháng có khoảng 15 buổi chiếu phim miễn phí cho công nhân các khu công nghiệp và khu dân cư. Không ít người dân cho rằng họ có chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và đời sống, từ những hoạt động văn hóa này.
Đây là hoạt động chiếu phim năng động, khá hiếm hoi trong việc lồng ghép giữa giải trí và tuyên truyền, giáo dục công chúng. May mắn là nó vẫn được duy trì trong thời buổi thị trường chiếu bóng quốc doanh quá èo uột và hoạt động chiếu bóng lưu động trong cả nước càng lúc càng teo tóp, bấp bênh.
- Tìm giải pháp khả thi
Tuần qua, tại rạp Đống Đa, trong buổi trao đổi cùng một số cán bộ phụ trách các nhà văn hóa trên địa bàn TPHCM, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Vinacinema (trực thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn) đã trình bày tương đối rõ về hệ thống thiết bị máy chiếu kỹ thuật số 2K, 4K, 3D và cảnh báo những tác hại, thảm họa từ loại máy 3D dỏm. Điện ảnh kỹ thuật số thế giới đến Việt Nam khoảng năm 1999 nhưng do quá mới, các rạp chiếu còn e ngại, chưa dám sử dụng. Hơn hai thập kỷ, qua phim nhựa, khi làm kỹ xảo xóa giây bay trên không, pha màu… mang lại hiệu ứng tốt, chuẩn mực, các nhà làm phim đã nghĩ đến việc thay công nghệ cũ bằng công nghệ số.
Triển vọng này có lẽ đang đưa phim nhựa dần đi vào cáo chung bởi xu hướng ngồi vào bàn họp của các hãng phim “đại gia”: Disney, Fox, MGM, Paramount, Sony, Pictures Entertainment, Universal, Warner Bros, Studios. Họ đã đưa ra những tiêu chí chuẩn mực điện ảnh kỹ thuật số Hollywood với hệ thống mã hóa an toàn. Vì vậy, các nước nghèo cũng tự tìm giải pháp riêng cho công nghệ điện ảnh nước nhà. Vinacinema đã nghiên cứu và sản xuất được thiết bị kỹ thuật số chiếu phim Việt, với máy chiếu tên gọi Vina HD-RF-01 và Vina HD-LĐ-01.
Đây là những thiết bị được nghiên cứu nhiều năm, xuất phát từ nhu cầu khán giả Việt Nam thích xem phim Việt, thích và nhớ tên diễn viên Việt, nghe được tiếng nói Việt (dễ dàng hơn đọc chữ trên màn hình). Hiện tại, công ty đã trang bị 40 máy Vina HD-RF-01 trên 40 rạp chiếu toàn quốc và máy đã vận hành thành công, bảo đảm bản quyền phim. Mặt khác, máy chiếu Vina HD-LĐ-01 khá gọn nhẹ có thể giúp các đội chiếu phim lưu động dễ dàng đến các vùng sâu, vùng xa. Với loại máy này, tính năng thu, phát từ vệ tinh các chương trình thời sự, giáo dục, môi trường, an ninh và cả bóng đá sẽ dễ dàng được chiếu lồng ghép với phim chính, phục vụ khối lượng đông đảo khán giả.
Nhưng với loại máy chiếu kỹ thuật số phim Việt đã có, liệu nguồn phim Việt sẽ lấy từ đâu? Những hãng phim truyện, phim thời sự tài liệu, phim hoạt hình đang được các nhà sản xuất thiết bị mời cùng hợp tác. Bởi khi hệ thống phát hành và chiếu bóng phim mở rộng cả nước, không có lý do gì, các nhà điện ảnh Việt Nam cứ để mất dần thị phần điện ảnh trên chính thị trường sân nhà.
Phim Việt dành cho người Việt, liệu giải pháp thứ hai là sự ra đời một hiệp hội sản xuất, phát hành, chiếu bóng toàn quốc có mang lại sức mạnh tổng lực phát triển thành công, như lời phát biểu đề nghị của ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần FAFILM TPHCM, nhân buổi họp mặt điện ảnh ở Tây Ninh?
KIM ỬNG