
Tuy một số tổ chức tài chính như H, M, I... đánh giá thiếu lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) nhưng đông đảo nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn vào Việt Nam mở tài khoản đầu tư chứng khoán. Ngay trong lúc này, khi TTCKVN đang tụt dốc, NĐTNN vẫn “gom hàng” vì họ có những đánh giá và nhận định riêng.
Vừa du lịch, vừa kiếm tiền

Một nhà đầu tư Mỹ (bìa phải) đang phân tích tình hình thị trường chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Ảnh: THÙY VY
Ở một số sàn giao dịch tại TPHCM như SSI, HSC, ACBS…, xen lẫn với NĐT trong nước có nhiều người nước ngoài, trong đó một số là khách du lịch. Theo một số công ty du lịch lớn, nhiều nhóm du khách yêu cầu được tham quan một vài sàn chứng khoán ở TPHCM. Anh Hiếu - hướng dẫn viên quốc tế tại Công ty V., từng gọi điện hỏi thăm người viết bài này, tại TPHCM sàn nào đạt tiêu chuẩn để anh đưa khách đến tham quan. Anh Hiếu cho biết: “Họ yêu cầu tham quan để “biết mặt” và làm quen không khí tại sàn Việt Nam chứ thật ra trước khi đến Việt Nam, họ đã nghiên cứu rất kỹ về TTCKVN. Có du khách còn tranh thủ chơi chứng khoán ngay trong thời gian du lịch. Có người sau khi về nước rồi trở lại Việt Nam một mình hoặc cùng bạn bè ở lâu hơn để mở tài khoản đầu tư chứng khoán”.
Một nhân viên môi giới của một sàn chứng khoán cho biết: “Thật ra, nhìn qua khó biết họ là du khách nếu không thấy hướng dẫn viên đeo thẻ cùng vào với họ. Qua cách họ điều nghiên thị trường, giao dịch và đặt nhiều câu hỏi, cho thấy họ rất sành”. Nhân viên môi giới này cho rằng, NĐTNN xuất thân từ những quốc gia có TTCK lâu đời nên chỉ cần “lướt sóng” (mua bán nhanh) một thời gian ngắn ở thị trướng quá mới này, họ cũng kiếm dư tiền cho chuyến du lịch. Nói một cách nào đó, họ vừa du lịch vừa kiếm tiền.
Một số chuyên gia về chứng khoán cho rằng, việc nhiều thành phần NĐTNN đầu tư vào TTCKVN góp phần làm cho TTCK thêm sôi động, đa dạng và ngày càng mang tính quốc tế - điều mà bất cứ một TTCK nào trên thế giới cũng cần. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là bên cạnh các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư và NĐTNN có kế hoạch, chiến lược với các danh mục đầu tư dài hạn, rõ ràng, các NĐTNN đầu tư ngắn hạn, mang tính đầu cơ có chiều hướng gia tăng lại giữ vai trò nhất định trong định hướng thị trường nên dễ nảy sinh những bất ổn cho thị trường còn khá “trẻ” như TTCKVN. |
Đầu tư dài hơi
Bên cạnh những NĐTNN chơi chứng khoán qua con đường du lịch mang tính ngắn hạn, tại TTCKVN có 2 nhóm đầu tư dài hơi: Các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính và NĐT cá nhân có chiến lược lâu dài. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2007, toàn TTCKVN có 243.809 tài khoản, trong đó có 5.568 tài khoản của NĐTNN (5.353 tài khoản là của cá nhân, 215 tài khoản của tổ chức), với số vốn khoảng 5 tỷ USD.
Điều đặc biệt là trong số 5.353 tài khoản cá nhân, NĐT Nhật Bản chiếm khoảng 70% với khoảng 100.000 người. Ai đã từng đến một số sàn giao dịch ở “phố Wall” Nguyễn Công Trứ như Đông Á, Đại Việt, Phương Đông, Sài Gòn… vào mỗi buổi sáng sẽ thấy nhiều nhóm NĐT Nhật Bản cũng bàn tán, đăm chiêu, ghi chép… rất thận trọng. Anh Akzumi – NĐT Nhật Bản, cho hay: “Tôi biết đến TTCKVN qua truyền hình TV Tokyo và một số phương tiện truyền thông tại Nhật Bản. Tôi mua vé máy bay qua đây để tham khảo và quyết định đầu tư dài hạn, ít nhất 5 năm. Tôi không quan tâm đến việc cổ phiếu hay chỉ số VN-Index tăng giảm hàng ngày mà quan tâm đến tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn”.
Vì sao NĐTNN chọn TTCKVN để đầu tư mặc dù một số tổ chức tài chính danh tiếng đánh giá không mấy lạc quan về TTCKVN trong thời gian tới? Thạc sĩ kinh tế Lê Hồng Thanh – giảng viên chuyên ngành chứng khoán tại một số trung tâm đào tạo chứng khoán, phân tích: “Theo tôi, có 4 lý do chính khiến TTCKVN hấp dẫn NĐTNN. Thứ nhất: TTCKVN là một thị trường mới, nhiều “mặt hàng” (cổ phiếu, công ty) triển vọng sẽ xuất hiện như ngân hàng, địa ốc... Thứ hai: Việt Nam đã gia nhập WTO nên chính trị, kinh tế ổn định. Thứ ba: 6 tháng đầu năm 2007, chỉ số GDP đạt gần 8% - con số khá ấn tượng so với nhiều quốc gia trong khối ASEAN. Thứ tư: Việc nhiều đại gia nước ngoài vào làm ăn, đầu tư tại Việt Nam sẽ làm cho thị trường thêm sôi động”.
Có nên “theo chân” NĐTNN?
Không phải bây giờ mà từ lâu, khá đông NĐT trong nước thường chọn mua cổ phiếu không phải bằng sự tính toán của riêng mình mà “ăn theo” NĐTNN. Khi thấy NĐTNN mua vào hoặc bán ra nhiều thì NĐT trong nước cũng làm theo. Anh Vinh - một NĐT tại sàn Đại Việt, cho rằng: “NĐTNN rất có kinh nghiệm, theo chân họ cho khỏe, khỏi cần phải tính toán”. Còn anh Quân – một NĐT tôi biết từ lâu, rất có kinh nghiệm và thường có những phân tích riêng, nói: “Tôi ít khi mua theo NĐTNN nhưng nhiều lúc thấy nhiều NĐT khác ào ào mua theo mình cũng xao động”.
Trước hiện trạng đó, thạc sĩ kinh tế Lê Hồng Thanh khuyên: “Học theo những cái hay của NĐTNN là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không khéo sẽ sụp bẫy theo vì NĐTNN có quá nhiều kinh nghiệm, có nhiều tiềm lực về vốn, dễ dàng “cầm lái” thị trường nên phần thiệt thường “đổ” cho NĐT nhỏ ăn theo. Do đó, NĐT trong nước khi quyết định chơi lâu dài cần phải chủ động phân tích tình hình và phải làm chủ trước mọi diễn biến lên xuống về giá cả và tỉnh táo tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau”.
4 quy định cho nhà đầu tư nước ngoài Quyết định 139/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã được ban hành. Theo đó, các nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) nước ngoài được tham gia TTCK Việt Nam được mua bán, nắm giữ tối đa 20% cổ phiếu đang lưu hành của tổ chức phát hành (của một công ty có cổ phiếu phát hành – niêm yết trên thị trường). Trong đó, một tổ chức được mua bán, nắm giữ tối đa 7% và một cá nhân được mua bán, nắm giữ tối đa 3% cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành. NĐTNN khi tham gia mua bán chứng khoán phải đăng ký mã số quản lý đầu tư nước ngoài với trung tâm giao dịch chứng khoán, thông qua các thành viên lưu ký nước ngoài (tức một ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép). Trong quá trình giao dịch, NĐTNN chỉ được phép mở một tài khoản giao dịch tại một thành viên lưu ký nước ngoài. Việc mua bán chứng khoán trên TTCK được thực hiện bằng đồng Việt Nam nên khi chuyển vốn bằng ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh, NĐTNN sẽ được các ngân hàng lưu ký quy đổi đồng Việt Nam để kinh doanh và khi có nhu cầu chuyển vốn gốc và lợi nhuận ra nước ngoài cũng sẽ được các ngân hàng đáp ứng ngoại tệ để thực hiện việc thoái hối. Khi tham gia mua bán chứng khoán tại Việt Nam, NĐTNN cần lưu ý, một số quy định về giao dịch chứng khoán ở Việt Nam có khác với các nước trong khu vực, cụ thể như sau: - Việc đặt lệnh giao dịch đối với công ty chứng khoán chỉ được thực hiện thông qua các phiếu lệnh tại trụ sở công ty hoặc các chi nhánh công ty chứ không được đặt lệnh qua điện thoại, fax, mạng Internet… - Lệnh giao dịch phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ 100%, NĐTNN không được phép bán khống và vay ký quỹ. - Khi thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ nắm giữ trên, dưới 5% CP có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. - Mức phí hoa hồng môi giới và các phí dịch vụ khác được quy định thống nhất đối với cả NĐT trong nước và NĐT nước ngoài trên cơ sở mức trần do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định. NHẬT HUY |
TUẤN ANH