
(SGGP- 12G).- Sáng nay, 15-12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB và XH tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong thời gian vừa qua, xây dựng kế hoạch về việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB và XH, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, XKLĐ cũng đã bị ảnh hưởng, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của các thị trường đang thu hẹp dần. Tác động này sẽ rõ nét hơn từ năm 2009. Còn năm 2008, Việt Nam vẫn đưa được 85.000 lao động đi nước ngoài làm việc (chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong nước). Bình quân mỗi năm, người xuất khẩu lao động gửi về nước khoảng 1,6-2 tỷ USD.

Học ngoại ngữ trước khi đi Nhật Bản làm việc. Ảnh: K.H.
Đối với vấn đề việc làm chung, Bộ LĐ-TB và XH cũng cho rằng, hiện nay cơ hội để người lao động có việc làm nhiều hơn, nhưng thách thức về chất lượng lao động cũng gia tăng. Mặc dù, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng lên gần 35% nhưng cơ cấu lao động, trình độ, kỹ năng chuyên sâu của phần đông lao động nước ta vẫn chưa thích ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cũng đã họp với các bộ ngành về tình hình giải quyết việc làm và XKLĐ trong thời gian vừa qua và định hướng cho thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong một vài năm tới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB và XH cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình giải quyết việc làm và công tác XKLĐ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2015” trình Thủ tướng. Chính phủ đồng ý đầu tư 3 Trung tâm đào tạo XKLĐ tại ba vùng (miền Bắc, miền Trung, miền Nam).
Q.PHƯƠNG