Thích ứng với biến đổi khí hậu, không thể chần chừ!

Khu vực Nam bộ đang trong những ngày nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ ở nhiều địa phương đã vượt 40 độ C, như Tây Ninh đã nóng tới 40,8 độ C, Bình Phước 40,2 độ C.

Tại TPHCM, nắng nóng cộng hưởng nhiệt và khói từ các nhà máy sản xuất, các phương tiện giao thông đã làm cho môi trường thêm ngột ngạt, khó chịu. Khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL đối mặt với khô hạn, nơm nớp lo thiếu nước sản xuất, cháy rừng...

Những hình thái thời tiết ngày một cực đoan là những biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu, mà hiện tượng El Nino hoạt động mạnh từ cuối năm ngoái đến nay là minh chứng. Biến đổi khí hậu không còn xa vời mà đã hiển hiện tới từng nhà, tác động tiêu cực lên cuộc sống từng con người.

Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã có nhiều chủ trương, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và trên thực tế cũng đã làm được một số việc. Ở cấp độ trung ương, ngày 20-7-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1055/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. TPHCM đã lồng ghép kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tới tất cả các lĩnh vực từ quy hoạch xây dựng, sản xuất cho tới giáo dục, y tế, truyền thông…

Thế nhưng, phải khách quan nhìn nhận rằng, hầu hết các kế hoạch đó chưa được triển khai trên thực tế. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa có các quy định cụ thể để doanh nghiệp áp dụng. Theo Bộ KH-ĐT, từ nay đến năm 2030 sẽ có 40%-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái… nhưng nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành khu công nghiệp này chưa được luật hóa hoặc hướng dẫn cụ thể.

Việc giảm phát thải trong hoạt động giao thông vận tải cũng tương tự. Mặc dù được xác định là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM nhưng kế hoạch hạn chế xe cá nhân, phát triển vận tải công cộng, chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh chưa thực hiện được là bao.

Tây Nam bộ - khu vực đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu cũng chưa có chuyển bộ đáng kể trong thích ứng với biến đổi khí hậu, cho dù đã được cảnh báo nguy cơ từ hàng chục năm trước. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học đưa ra khuyến cáo về tình trạng ngập, sạt lở, nhiễm mặn… cho ĐBSCL nhưng một đề án cụ thể trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo các nghiên cứu vẫn chưa được triển khai đồng bộ trên thực tế.

Ở nhiều địa phương vẫn ứng phó với tình trạng này theo sự vụ. Cách đây chưa lâu, một số nhà khoa học Hà Lan đã đưa ra khuyến nghị, nếu Việt Nam không hành động kịp thời, vài thập niên nữa, hầu hết diện tích ĐBSCL sẽ thấp hơn mực nước biển. Rõ ràng với những gì đang diễn ra ở Tây Nam bộ, Việt Nam phải hành động nhanh với những kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cụ thể hơn nữa nếu muốn giữ gìn sự trù phú của vùng đất này.

Đã có một thời chúng ta duy ý chí, cho rằng con người sẽ chiến thắng thiên nhiên. Suy nghĩ này giờ đây đã được thay thế bằng nhận thức và tâm thế thích ứng, sống hòa thuận với thiên nhiên. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhận thức này phải cấp bách chuyển thành giải pháp và hành động cụ thể, phù hợp với sự chung tay của toàn thể cộng đồng, từ Nhà nước, người dân đến doanh nghiệp...

Hãy hành động trước khi quá muộn.

Tin cùng chuyên mục