Thích ứng với sạt lở: Tính mạng người dân là trên hết

Những ngày đầu tháng 7-2023, Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… tiếp tục xuất hiện các vụ sạt lở. ĐBSCL chính thức bước vào cao điểm mùa mưa, sạt lở cũng diễn ra khắp các tuyến sông, đê biển.
 Sạt lở gần đây đã làm đứt đoạn tuyến giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG
Sạt lở gần đây đã làm đứt đoạn tuyến giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG

Do kiệt phù sa thô

Một lãnh đạo tỉnh Hậu Giang phải than thở: “Vào mùa mưa, gần như một, hai ngày là có địa phương báo cáo sạt lở bờ sông”. Không chỉ là chuyện dân vùng có nguy cơ sạt lở nấn ná chờ địa phương tái định cư, địa phương thì trông chờ từ ngân sách Trung ương… mà đã đến lúc ĐBSCL “cần thức tỉnh” với vấn nạn sạt lở, đưa ra các giải pháp đặt sinh mạng người dân lên trên hết.

Thống kê sơ bộ từ An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, đã có gần 3.000 căn nhà bị sạt lở cuốn trôi, người dân phải di dời đi nơi khác trong gần 5 năm qua (2018-2023). Hiện có gần 25.000 hộ dân ở các địa phương này cần di dời. Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau đang có nhiều vụ sạt lở vào mùa mưa. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1-7-2023, yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt. Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng và diễn ra gần như quanh năm. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, ĐBSCL hiện có trên 780 khu vực sạt lở với tổng chiều dài gần 1.000km. Trong gần 5 năm qua, Chính phủ đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh thành ĐBSCL làm kè, đê chắn sóng… để khắc phục các điểm xảy ra sạt lở ở nơi xung yếu.

Câu chuyện cảnh báo sạt lở sẽ gia tăng ở ĐBSCL đã được các nhà khoa học đưa ra cách đây hơn 10 năm. “Thời điểm đó, khi Trung Quốc và các quốc gia dọc theo sông Mê Công đua nhau xây dựng đập thủy điện, thì gần như không còn phù sa thô đổ về ĐBSCL”, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho rằng: Chỉ nên xây bờ kè chống sạt lở ở những nơi đông dân cư hoặc những nơi có giá trị lịch sử. Quy hoạch tốt nhất trong tương lai là phải di dời các hộ dân sống ven các bờ sông có nguy cơ sạt lở, nhằm giảm tải bờ sông, giữ tính mạng người dân là quan trọng nhất. Ngay bây giờ, chính quyền các địa phương cần vận động người dân có điều kiện sống ở vùng có nguy cơ sạt lở di dời ngay. ĐBSCL cần cuộc “đại phẫu” di dời tất cả nhà ven sông, ven rạch… Kinh phí rất lớn, cần tính đến phương án xã hội hóa.

Chung sống với sạt lở?

Theo TS Dương Văn Ni, cát thô gần như không còn về ĐBSCL, trong khi Campuchia lại khai thác rất mạnh (một phần cát được bán cho Việt Nam). Nguồn phù sa thô “gần như bằng 0” khiến cát đáy sông không ổn định, ĐBSCL lại tiếp tục khai thác cát làm đáy sông thêm sâu,… gây sạt lở tràn lan. “ĐBSCL cần thức tỉnh, người dân không nên nấn ná chờ địa phương hỗ trợ mới di dời, chính quyền địa phương cũng không nên chần chừ chờ kinh phí từ Trung ương. Phải di dời dân vùng có nguy cơ sạt lở ngay. Tính mạng người dân là quan trọng nhất”, TS Dương Văn Ni cảnh báo.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long di dời đồ đạc trong vụ sạt lở ngày 27-5 làm đứt gãy đường giao thông nông thôn

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long di dời đồ đạc trong vụ sạt lở ngày 27-5 làm đứt gãy đường giao thông nông thôn

Trong bối cảnh thiếu phù sa và cát nghiêm trọng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn trầm trọng hơn trong vài chục năm tới. Câu hỏi đặt ra là ứng phó như thế nào để giảm thiểu thiệt hại. Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, biện pháp công trình có ưu điểm là có tác dụng nhanh, có thể bảo vệ được một số nơi trong một thời gian.

Tuy nhiên, biện pháp này có hàng loạt nhược điểm vì rất đắt đỏ, chúng ta sẽ không bao giờ đủ tiền để mãi chạy theo tình hình sạt lở bằng biện pháp công trình. Can thiệp ở một nơi sẽ gây sạt lở nơi khác, vì dòng sông sẽ tìm kiếm sự cân bằng động lực. Sạt lở là vì thiếu hụt cát, mà nếu càng làm công trình thì càng gây thiếu cát, tạo thành vòng luẩn quẩn. Công trình nào cũng có tuổi thọ, cần được duy tu bảo dưỡng và chi phí này ngày càng tăng cùng với tuổi công trình.

Biện pháp chỉnh trị dòng chảy, hướng dòng chảy khỏi phía bờ bị sạt lở có thể hiệu quả, nhưng có rủi ro gây sạt lở phía bờ bên kia. Nếu chỉ nạo vét để hướng dòng mà không có công trình kiên cố dưới đáy sông để chịu lực thì dòng chảy sẽ tiếp tục tấn công để quay lại hướng cũ, nhưng làm công trình kiên cố dưới đáy sông để cố định dòng chảy thì rất đắt. Do đó, biện pháp công trình không nên làm tràn lan mà chỉ nên làm ở những nơi xung yếu như các khu đông dân cư, đô thị, và cơ sở hạ tầng quan trọng. Nên có sự phân tích kinh tế thấu đáo để cân nhắc giữa lợi ích và chi phí của các phương án ứng phó, trong đó cần tính cả xác suất công trình hư hỏng.

Hiện nhiều địa phương như Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh… thực hiện trồng nhiều loại cây khác nhau để chống sạt lở, ít nhiều phát huy tác dụng. Song, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhận định: Biện pháp mềm như trồng bần ven sông có thể gây bồi, bảo vệ được bờ sông. Lợi thế của biện pháp này là chi phí thấp, phù hợp sinh thái, tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh. Tuy nhiên đó là câu chuyện ngày trước, khi phù sa còn nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, trồng bần gây bồi chỉ khả thi ở những nơi đang ít sạt lở. Tại những điểm sạt lở mạnh thì biện pháp này không còn khả thi nữa.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, tình hình sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL còn tiếp tục trong tương lai, việc cấp bách cần làm là di dời người dân khỏi những nơi rủi ro sạt lở cao. Việc di dời sớm sẽ đỡ tốn kém, thiệt hại về tính mạng, tài sản hơn là di dời sau khi sạt lở đã xảy ra. Di dời người dân là một thách thức lớn vì cần có quỹ đất để tái định cư, có ngân sách hỗ trợ đi kèm đào tạo nghề để người dân ổn định sinh kế ở nơi mới. Về công tác cảnh báo sớm, hiện nay các tỉnh đều đã có bản đồ chỉ ra những nơi rủi ro sạt lở cao.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ sạt lở bất ngờ. Các cơ quan chức năng nên tổ chức thăm dò cập nhật tình hình lòng sông hàng tuần hoặc hàng tháng vào những tháng cao điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa để phát hiện kịp thời những nơi có “hàm ếch” (tức là nơi bờ sông bị đứt rỗng mất chân) mới xuất hiện để kịp thời cảnh báo. Với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc này là hoàn toàn khả thi, ít tốn kém.

Tin cùng chuyên mục