Thích ứng với tự nhiên: Giải pháp chống ngập quan trọng nhất

Thích ứng với tự nhiên: Giải pháp chống ngập quan trọng nhất

Ngập ở Bangkok (Thái Lan), lũ lụt ở miền Trung và miền Tây Nam bộ (Việt Nam), triều cường ở thành phố liên tục lập đỉnh mới… là những thách thức, những bài học “nhãn tiền” đối với TPHCM. Xử lý thực tế này như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một rõ nét? Tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Ban điều hành chương trình chống ngập TPHCM đã có cuộc trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng xung quanh những vấn đề trên.

- PV: Thưa Tiến sĩ, có bao giờ ông lo lắng đến một lúc nào đó, TPHCM sẽ rơi vào tình huống như Bangkok?

- Tiến sĩ HỒ LONG PHI: Không ai dám chắc chắn điều gì ở tương lai. Do vậy, việc TPHCM có thể bị ngập như Bangkok là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi một phần không nhỏ diện tích đất thành phố có cao trình thấp và được dự báo là một trong những thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. 

Triều cường gây ngập trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Triều cường gây ngập trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Là một địa phương ở cuối nguồn của lưu vực sông Đồng Nai, TPHCM còn phải đối mặt với nguy cơ lũ đầu nguồn tràn về khi phần lớn rừng đầu nguồn có chức năng điều tiết nước đã bị chặt phá nặng nề. Các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai như Trị An, Dầu Tiếng… chủ yếu thực hiện chức năng tích nước, phát điện, chưa quan tâm đúng mức đến việc điều tiết nước chống ngập lụt cho hạ lưu.

Một trong những nguyên nhân làm cho Bangkok ngập lụt nặng nề cũng chính là các hồ điều tiết nước tương tự đã không được đưa vào thực hiện chức năng này, chúng không được tháo nước ra trước đó để kịp tích nước, chia lũ cho Bangkok. Ngập ở Bangkok còn được cho có nguyên nhân từ sự chủ quan của chính quyền thành phố này. Một hệ thống đê khổng lồ cao tới 2,5m đã được xây lên nhằm ngăn nước sông được gọi là sông vua của Bangkok: Chaophraya. Yên trí với hệ thống đê, Bangkok đã chủ quan khi không nghĩ rằng, thiên nhiên lại có lúc nhiều nước đến như thế.

Là một thành phố luôn bị ngập, TPHCM không chủ quan với ngập như Bangkok, nhưng hầu hết hệ thống thoát nước cũng như các bờ bao, đê bao của thành phố đã cũ kỹ và quá tải. Việc xây mới hệ thống này đang được tiến hành ở vài lưu vực. Như vậy, so với Bangkok, TPHCM còn bị “một điểm trừ” cho việc thiếu một hệ thống công trình chống ngập được xây dựng khá quy mô.

- Bài học nào để TPHCM có thể tránh rơi vào bi kịch như Thái Lan, thưa Tiến sĩ?

- Để chống ngập thành công, bài học từ hiện tượng ngập ở Bangkok cũng như kinh nghiệm chống ngập của nhiều nước trên thế giới là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà trong đó có giải pháp công trình và các giải pháp mang tính xã hội - thích ứng với tự nhiên. TPHCM đã hiểu rất rõ nguyên tắc này và vấn đề hiện nay là tính toán làm sao kết hợp được tất cả các giải pháp ấy một cách hợp lý, hiệu quả.

Đối với các giải pháp công trình, việc làm đê bao là cần thiết nhưng không phải bao tất cả thành phố vì như thế can thiệp quá thô bạo vào tự nhiên, đẩy triều cường vốn “hiền lành” của thành phố trở thành triều “dữ”. Có một “chân lý” trong thích ứng với tự nhiên là đừng “chọc” tự nhiên “nổi giận”. Chỉ nên làm đê ở một số khu vực ngoại thành. Các khu vực còn lại, con người nên “rút lui” hẳn, nhường đất cho… nước.

Cùng với hệ thống sông, kênh, rạch những vùng đất ngập nước này sẽ là nơi điều tiết nước hiệu quả nhất cho thành phố. Đất nước Hà Lan với hệ thống đê khổng lồ được xây dựng từ hàng trăm năm nay, đã rút được kinh nghiệm này và họ đang từng bước phá đi nhiều đoạn đê, để nước ngập tự nhiên tràn vào. Còn trong nội thành, ngoài việc hoàn thiện hệ thống thoát nước, công tác phát triển đô thị, phân bố dân cư cũng phải được tính toán kỹ như tránh trường hợp xây nhà chặn hướng thoát nước hoặc thậm chí lấp bớt kênh, rạch để xây dựng…

Quản lý phát triển đô thị tốt, hướng tới chống ngập hiệu quả chính là các giải pháp xã hội - thích ứng với tự nhiên mà thành phố phải làm. Tại sao tôi phải nhấn mạnh đến giải pháp này? Đơn giản vì không một công trình đê bao hay hệ thống cống thoát nước nào có thể vận hành hiệu quả 100%. Trong xây dựng, người ta chỉ có thể tính toán xác suất an toàn, hiệu quả của công trình theo các chu kỳ nhất định.

Hơn nữa, một khi thiên nhiên đã “nổi giận” thì không sức người nào có thể chế ngự. Chính vì thế, theo tôi giải pháp xã hội, thích ứng với tự nhiên là giải pháp căn cơ, đặc biệt quan trọng trong chống ngập. Những giải pháp này thực ra không tốn nhiều công sức cũng như tiền bạc để thực hiện. Ví dụ như không cho xây nhà chặn hướng thoát nước, rõ ràng chẳng tốn tiền mà chỉ là việc thực hiện công tác quản lý cho tốt.

Tất nhiên, còn một số vấn đề ngoài thẩm quyền của thành phố như để chống lũ từ thượng nguồn đổ về, TPHCM phải kiến nghị Chính phủ từng bước tái lập rừng đầu nguồn, xây dựng kế hoạch điều tiết lũ cho các hồ thủy điện, thiết lập hệ thống cảnh báo nhanh nhạy, chính xác. Hiện nay, trước khi xã lũ hồ Dầu Tiếng hay Trị An… đều báo trước cho TPHCM. Tuy nhiên, thời gian báo trước chỉ vài tiếng, không kịp cho người dân thành phố có thời gian sơ tán trong trường hợp lũ lớn.

- Cảm ơn ông!

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục