Thiện nguyện và người trẻ

Bất cứ ai làm chuyện gì cũng đều có mục đích và người trẻ làm thiện nguyện cũng vậy. 
Đỗ Thị Ngọc Linh tận tình chỉ bảo trẻ em khuyết tật từng con chữ
Đỗ Thị Ngọc Linh tận tình chỉ bảo trẻ em khuyết tật từng con chữ
Vài dòng ngắn gọn trên mạng về hoàn cảnh của một bà cụ dù tuổi đã thất thập nhưng vẫn phải dầm mưa dãi nắng, buôn bán ven đường để kiếm sống qua ngày và lo cho con cái bệnh tật, với lời kêu gọi ai đi qua hãy ghé mua giúp bà ký ổi hay trái dưa… cũng đủ kết nối những tấm lòng thiện nguyện của người trẻ TPHCM.

Nhìn lại khoảng 8 năm trước, trào lưu thiện nguyện lan tỏa ở khắp nơi từ công sở, trường học đến từng cụm dân cư; từ giới văn phòng, sinh viên đến những người nội trợ… và hầu hết đều hoạt động dưới hình thức tự phát, tự quản. Trong những nhóm thiện nguyện ấy, người trẻ chiếm số đông.
Khi trào lưu thiện nguyện lan tỏa quá nhanh, không tránh khỏi những quan điểm và hành động bất đồng nhưng tựu trung lại cho đến nay, nhiều bạn vẫn giữ được đam mê thiện nguyện và coi đó là những trải nghiệm quý giá của tuổi trẻ. 
Bất cứ ai làm chuyện gì cũng đều có mục đích và người trẻ làm thiện nguyện cũng vậy. Dù làm thiện nguyện theo cá nhân hay theo câu lạc bộ, đội, nhóm thì mục đích của họ luôn là mong muốn mọi người có cuộc sống tốt đẹp, được sẻ chia với những người kém may mắn, được trải nghiệm để tích lũy vốn sống. 

Tất nhiên, với giới trẻ, thiện nguyện không nhất thiết phải cho đi những phần quà giá trị, những khoản tiền lớn trao đến tay người gặp khó khăn mà đơn giản chỉ là một hộp cơm đủ chất dinh dưỡng dành cho người bệnh, vài ngày công cùng nhau sửa lại mái nhà dột nát cho bà cụ già neo đơn, hay những buổi dạy chữ cho trẻ em cơ nhỡ không được đến trường…

Có thể kể đến CLB Trái tim nhân ái với dự án “Gia sư tình nguyện” đã duy trì từ giữa năm 2014 đến nay, thu hút hơn 500 bạn trẻ tham gia dạy 24 lớp học ở khắp các quận, huyện tại TPHCM, với gần 700 em học sinh là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em sinh sống trong các mái ấm, nhà mở. Là chương trình mang không khí Trung thu, Tết Thiếu nhi đến với trẻ em vùng sâu vùng xa của CLB Dấu Chân Việt; là chuyến thăm các cụ già ở viện dưỡng lão, tặng áo ấm cho người vô gia cư của Bee Group; là cái hẹn của những người trẻ chỉ vừa biết nhau qua mạng xã hội để cùng tới một địa chỉ đang cần sự chung tay của cộng đồng…

Các bạn trẻ làm thiện nguyện không có lương, làm thiện nguyện là bỏ tiền túi hoặc tự phát triển một vài dự án gây quỹ để duy trì hoạt động. Đó có thể là những trang bán đồ lưu niệm handmade qua mạng, là chương trình cà phê âm nhạc “cây nhà lá vườn”, là những buổi tối cuối tuần đi bán móc khóa dạo, là những ngày lễ cùng nhau bán bông… để kiếm lời gây quỹ, là thù lao những buổi dạy kèm gia sư hay vô vàn cách đóng góp khác xuất phát từ cái tâm thiện nguyện. 

Với những câu lạc bộ, đội, nhóm duy trì đến nay, hầu như đã định hình rõ hướng làm thiện nguyện của mình thì có xu hướng tham gia du lịch thiện nguyện. Thay bằng những chuyến phượt chỉ đơn thuần là thử thách chính mình, là chinh phục những vùng đất mới và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, các bạn đã kết hợp với những chuyến thăm, tặng quà cho người dân nghèo tại địa phương. Du lịch thiện nguyện được các bạn ví như “một mũi tên trúng hai đích” để biến chuyến đi không chỉ có ý nghĩa với cá nhân mà ý nghĩa với cả những người mà các bạn gặp. Không chỉ ghi lại hành trình bằng đôi mắt mà sẽ lưu giữ cả sự chia sẻ từ trái tim.

Tin cùng chuyên mục