Thiên tai hay nhân tai?

Có một thực tế đó là nhiều miệng cống thoát nước tại TPHCM thường xuyên bị nghẹt cứng, sôi lên sau mỗi trận mưa, dù lớn hay nhỏ; mặc dù trước đó lực lượng vệ sinh, thu gom rác công cộng đã làm vệ sinh khá sạch sẽ các điểm này. Khách quan mà đánh giá, mưa đến sẽ có sự dịch chuyển rác thải từ điểm này sang điểm nọ vì ảnh hưởng bởi dòng chảy của nước; ngoài ra, còn hàng loạt nguyên nhân khác, nhưng một trong những nguyên nhân góp phần vào thực trạng nghẹt cống rãnh chính là ý thức của người dân.

Sáng sớm, chỉ cần rảo một vòng qua các tuyến đường Trường Chinh (giáp ranh quận 12 và Tân Bình), đường Quang Trung (Gò Vấp), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3)… sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người dân len lén vứt các bọc rác thải sinh hoạt xuống miệng cống. Chiều tối, tại một số điểm bán vỉa hè còn tệ hơn, người bán hàng nhìn trước, ngó sau nếu không ai để ý sẽ trút luôn mớ thức ăn thừa, trong đó có cả túi ni lông khó phân hủy vào thẳng miệng cống, rồi vội vàng lấy nước dội xuống để… phi tang. Ghi nhanh của phóng viên vào sáng sớm một ngày cuối tuần trên đoạn ngắn của đường Đông Bắc và Tô Ký (quận 12), chỉ chưa đầy nửa giờ đã có hơn 10 người tranh thủ vứt rác gồm vỏ chai nước uống, túi rác sinh hoạt… xuống 4 miệng cống thoát nước. Chị Nguyễn Mỹ Nụ, người dân ngụ tại Tô Ký, quận 12, bức xúc: “Cứ tầm 4-5 giờ sáng, kiểu nào cũng có người vứt rác trên tuyến đường Tô Ký, Quang Trung. Thực tế, đây là tuyến đường vùng ven, giáp ranh với các huyện khác nên người dân đi chợ, buôn bán sớm có tâm lý tiện đâu vứt đó, bất chấp việc phát sinh ô nhiễm môi trường, gây nghẹt cống thoát nước khi mưa xuống”.

Rõ ràng, ý thức người dân đã và đang là vấn đề cần được quan tâm, chấn chỉnh. Nhiều cuộc họp lớn nhỏ do Trung ương và TPHCM tổ chức đã liên tiếp đưa ra mổ xẻ vấn đề này, nhưng xem ra, vẫn chưa thấm. Không ít người dân thiếu ý thức có tâm lý thà chết chùm còn hơn sống một mình nên mặc kệ, thân ai nấy lo, rác nhà mình đem xả ra đường… Lãnh đạo một cơ quan chuyên trách về môi trường tâm sự, thực tế ngoài nguyên nhân do “lịch sử để lại” khiến cho tình trạng nghẹt cống thường xuyên xảy ra khi triều cường, lúc trời mưa thì ý thức người dân đóng vai trò không nhỏ. “Nếu không xả rác bừa bãi sẽ hạn chế được tình trạng cản dòng chảy, gây ngập cục bộ tại các điểm thoát nước. Thế nhưng, việc nâng cao ý thức cho người dân thực sự không dễ dàng”, vị cán bộ chuyên trách trên nói. Tại một cuộc họp diễn ra cách đây ít ngày của các chuyên gia Hà Lan, cho thấy, TPHCM chưa thể trông chờ vào ý thức người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Tình trạng xả thải sinh hoạt trực tiếp vào miệng cống thoát nước, kênh rạch… còn diễn ra phổ biến; đe dọa trực tiếp đến môi sinh, khiến người dân đối mặt với nguy cơ bệnh tật.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho rằng, một trong những biện pháp nâng cao ý thức người dân hiệu quả chính là tuyên truyền, tác động tới ý thức của các em học sinh. Phụ huynh sẽ ngại ngùng, xem xét lại cử chỉ, thái độ ứng xử của mình với môi trường nếu bị con, cháu nhắc nhở. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia môi trường cũng cho biết, việc nâng cao ý thức, tuyên truyền cho người dân về trách nhiệm đối với cộng đồng, môi trường sống cần được gắn với những việc làm thiết thực, không nên hô hào kiểu khẩu hiệu suông sẽ khiến đối tượng được tuyên truyền không muốn tiếp thu. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi xả rác bừa bãi ra đường phố, cống rãnh…; đồng thời nhân rộng mô hình gắn camera ghi hình tự động các điểm chuyên xả rác bừa bãi để dễ dàng phạt nguội những đối tượng vi phạm. Tuyên truyền đi liền với chế tài xử phạt cụ thể mới hy vọng người dân thay đổi; ngược lại, rất khó để trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi người.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục