
Matthew Nagle (ảnh), một cựu ngôi sao bóng đá tại Weimut (bang Massachusets), đã liệt hoàn toàn từ vai trở xuống do một vết dao đâm thẳng vào tủy sống sau một lần ẩu đả vào năm 2001. Một thời gian sau, anh nhận được đề nghị tham gia vào một cuộc thử nghiệm, có thể giúp giải quyết phần nào tình trạng bất động hoàn toàn.
Trong thử nghiệm này, các chuyên gia đã sử dụng một hệ thống gọi là BrainGate mới được Công ty Cyberkinetics Neurotechnology Systems của Mỹ nghiên cứu chế tạo.

Nguyên lý hoạt động chung của thiết bị này không có gì phức tạp. Các tín hiệu hình thành trong não bộ con người được truyền qua bộ cảm biến – một tấm hình vuông kích thước 4 x 4mm có gắn hàng trăm điện cực nhỏ xíu.
Loại điện cực này thực ra là những chiếc kim siêu nhỏ bằng kim loại được gắn xuyên qua lớp vỏ não. Bộ cảm biến này tiếp xúc trực tiếp với “vùng khởi động” của lớp vỏ não (là nơi chịu trách nhiệm điều hành cử động của tay trái) và kết nối với một phần jắc nối gắn cố định vào một lỗ nhỏ ở hộp sọ.
Khi người thử nghiệm có ý định thực hiện một chuyển động nào đó, “vùng khởi động” sẽ nảy sinh một xung điện, trước khi nó được truyền qua các điện cực đã gắn vào máy tính.
Trong thời gian sử dụng Matthew sẽ cố gắng hình dung các cử động của đôi tay mình, còn thiết bị cảm biến sẽ “nghe” tín hiệu của các neutron chuyển động đang được kích hoạt vào thời điểm đó và truyền chúng tới một cơ cấu được nối kèm theo (có thể là một màn hình hay một bộ phận chân tay giả kiểu người máy nào đó).
Matthew có thể điều khiển con trỏ trên màn hình vi tính, đọc thư điện tử, chơi một số trò chơi điện tử đơn giản hay thậm chí vẽ một cái gì đó. Matthew còn học được cả cách chuyển kênh hay tăng giảm âm lượng của tivi hoặc cử động một cánh tay giả chế tạo bằng các bộ phận cơ khí- điện tử.
Chủ tịch Timothy Surgenor của Cyberkinetics hy vọng nghiên cứu sẽ được đẩy nhanh về tiến độ để có thể sản xuất hàng loạt bộ cấy ghép trong giai đoạn 2008-2009.
LINH NGA