Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do tôn thép giả có nguồn gốc Trung Quốc

Sáng nay, 26-11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và Quản lý". 

(SGGPO).- Sáng nay, 26-11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và Quản lý". 

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 15 công ty lớn và một số cơ sở sản xuất tôn thép mạ và phủ màu với tổng năng lực sản xuất lên tới 4 triệu tấn/năm. Trong 10 tháng đầu năm 2014 ngành tôn thép Việt Nam mới phát huy được khoảng 60% năng lực và phải xuất khẩu một số lượng lớn 664.000 tấn mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước. Ngược lại, trong 9 tháng đầu năm 2014 các công ty thương mại đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo ông Sưa, tình trạng phổ biến về việc làm làm giả, nhái tôn thép là nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém sau đó in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ.

Tình trạng gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả có ảnh hưởng tiêu cực như làm mất uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm thị phần của các nhà sản xuất trong nước, giảm doanh thu và cũng giảm thu nhập của người lao đông trog các cơ sở sản xuất tôn trong nước, ngân sách nhà nước bị thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng/năm, môi trường kinh doanh không lành mạnh. "Đặc biệt đối với người tiêu dùng đã bị “móc túi” đủ cách và nguy hiểm hơn là chất lượng công trình của họ không được đảm bảo. Trong một số trường hợp còn có thể đe dọa đến tính mạng con người " - ông Sưa cảnh báo.

Đại diện doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cũng thông tin, hiện biên giới phía bắc theo đường tiểu ngạch tôn Trung Quốc vào nhiều và in nhãn hiệu tôn, thép Việt Nam. Việc làm giả xuất xứ, nhập nhằng về chất lượng khiến mặt hàng hàng tôn lợp trên thị trường hiện đang nhiễu loạn. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nếu không bị phát hiện thì mỗi ngày có hàng trăm tấn tôn giả và kém chất lượng như vậy được tung ra thị trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. 

Từ thực tế trên, ông Vũ cho rằng, để chống hàng giả trước hết phải lành mạnh hóa thị trường, đồng bộ từ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, việc Quản lý thị trường cần phải làm liên tục, hết trách nhiệm, buộc các doanh nghiệp phải công bố công khai tiêu chuẩn hàng hóa ngay tại cửa hàng. Bên cạnh đó, cần có chế tài để phạt nặng nếu phát hiện sai phạm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, hiện bản thân nhiều doanh nghiệp chưa vào cuộc để chống hàng giả.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục