Khu phố đi bộ tương lai của trung tâm TPHCM được xác định có 3 chức năng chính nằm tại 3 khu vực riêng biệt, trong đó chợ Bến Thành sẽ là tâm điểm, thu hút nhiều người đến và đi từ khu vực quảng trường trung tâm. Từ chợ Bến Thành sẽ mở rộng và chỉnh trang lại các trục đường chính bằng cách tăng diện tích lối đi bộ, diện tích cây xanh. Đó là một trong những nội của trong báo cáo giữa kỳ với các sở - ngành vào tháng 5-2011 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM về ý tưởng thiết kế giải pháp cảnh quan và bố trí không gian khu phố đi bộ tại khu vực trung tâm TP.
Đưa TP về với sông nước
Trung tâm TP được xác định: Khu vực thứ nhất được kết nối giữa các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Bùi Viện hiện đang rất thu hút khách du lịch với nhiều khách sạn nhỏ, cửa hàng, tiệm ăn. Khu vực này mang đậm nét châu Á của trung tâm TP. Khu vực thứ hai là khu vực chợ Bến Thành và các khu vực lân cận, với mật độ các gian hàng lẻ, nhỏ, dày đặc, tạo nên nét đặc trưng hiếm có và là một biểu tượng của TP. Khu vực thứ ba là khu vực rộng lớn với nhiều nhà cao tầng, trung tâm hành chính, thương mại, mua sắm, khách sạn, các công trình hành chính công, bảo tàng... Khu vực này xoay quanh hai trục đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, kết nối với đường Đồng Khởi và khu vực xung quanh.
Hiện 3 khu vực trên có thể coi là sự lắp ghép giữa các khu phố với các đặc tính và cấu trúc chức năng khác nhau. Do vậy, Sở QH-KT cho rằng, việc tăng cường đặc tính của từng khu sẽ theo cách tiếp cận tích hợp nhằm củng cố thêm cho bản sắc của TPHCM. Khu dành cho du lịch sẽ được liên kết bởi trục đường Lê Lợi lên đến Nhà thờ Đức Bà, Nguyễn Huệ, khu vực xung quanh Quảng trường Mê Linh. Trục đường Đồng Khởi sẽ dành cho các hoạt động thương mại của khu vực trung tâm. Khu vực Bùi Viện sẽ được củng cố từ trong ra ngoài trên cùng một trục đường. Các hoạt động quan trọng được nhóm gọn ở khu dành riêng cho người đi bộ ngay bên cạnh.
Theo Sở QH-KT, mục tiêu của TPHCM là tái tạo liên hệ tiếp cận với bờ sông Sài Gòn và tạo ra mối quan hệ mạnh mẽ với nước chứ không phải dựa vào sinh hoạt, giải trí và các giá trị văn hóa hay hoạt động công nghiệp. Trong lịch sử, Sài Gòn và Chợ Lớn đã được hình thành dựa trên yếu tố sông nước, chính vì thế, mục tiêu của thiết kế này là đưa TP gắn hơn với bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé – là những cảnh quan đặc sắc của TPHCM.
Hiện nay, lý do những khu vực này ít được sử dụng là vì khả năng tiếp cận cho người đi bộ còn thấp. Trục đường Tôn Đức Thắng đang thiếu những phương tiện, tiện nghi kết nối với bờ sông. Thêm vào đó, bờ sông không an toàn và thiếu những yếu tố để thu hút người dân. Sở QH-KT cho biết, trong thời gian trung hạn sắp tới, nếu trục đường Tôn Đức Thắng không thể được đặt ngầm thì một số giải pháp sẽ được Sở đề xuất để đáp ứng mục tiêu “đưa TP trở về với sông nước”. Cụ thể là tối ưu hóa phần đường phố, tìm kiếm không gian cho người đi bộ nhiều hơn; thiết kế đô thị phù hợp ngữ cảnh và thống nhất cho người đi bộ cả hai bên bờ sông. Thêm vào đó, để bờ sông thu hút người đến với nó thì có thể tổ chức những hoạt động văn hóa, không gian ẩm thực, vui chơi, giải trí.
Sẽ có khu bán hàng rong
Những đặc điểm tính chất “đối chọi” nhau như: Âu - Á, địa phương - toàn cầu, truyền thống - hiện đại, vi mô - vĩ mô đã làm cho TPHCM hấp dẫn hơn. Hòa trộn những yếu tố này với nhau sẽ tạo ra một tổng thể đậm đà bản sắc, trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ những hoạt động văn hóa và yếu tố có giá trị đang bị mai một. Chính vì thế, Sở QH-KT đề xuất nên có những khu vực dành cho hoạt động thương mại nhỏ lẻ, buôn bán đường phố, hàng rong ở các trục đường đi bộ tương ứng với những đặc điểm hướng nội nhằm nâng cấp các hoạt động này lên trong tương lai gần. Các khu vực bán hàng rong được bố trí dựa trên hiện trạng khu vực thường xuyên diễn ra các hoạt động này, các khu vực có nhiều cửa hàng, doanh nghiệp quy mô nhỏ nhằm củng cố đặc điểm sống động của khu vực. Với ý tưởng này, Sở QH-KT cho biết sẽ giúp ngăn chặn việc bán hàng rong diễn ra trên các đại lộ chính và các trung tâm mua sắm làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Giao thông cơ giới và di chuyển vẫn là vấn đề chính khi liên hệ với đường đi bộ. Giao thông cơ giới sẽ được tập trung ở một số khu vực cụ thể, sự chuyển tiếp giữa các phương tiện giao thông cũng được hạn chế đến mức tối đa. Theo ý tưởng của Sở QH-KT, sẽ có 2 phương án giao thông thay thế phương tiện giao thông cá nhân khi đi vào khu vực trung tâm. Thứ nhất, đỗ xe tại bãi đỗ xe khổng lồ dưới đất, đi bộ hoặc đi bằng phương tiện vận tải công cộng vào khu trung tâm. Thứ hai, đi bằng xe hơi, bằng phương tiện thanh toán phí trung hạn. Xe hơi có thể gửi tại bãi đậu xe ngầm dưới trục đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ hoặc tại các điểm đậu xe tư nhân. Theo Sở QH-KT, việc tạo ra một hệ thống cho người đi bộ đáp ứng nhu cầu trong tương lai là một trong những yếu tố quan trọng nhất của nghiên cứu này vì nó sẽ làm thay đổi sâu sắc mô hình chức năng của trung tâm TP.
Dự kiến, ý tưởng này sẽ được báo cáo cuối cùng - phiên bản được xem xét và mở rộng những ý tưởng được đề xuất trong báo cáo tiến độ giữa kỳ - vào ngày 22-6. Một TP thân thiện với người đi bộ không phải là một “dự án” có thể thực hiện trong vài năm mà là một quá trình cần có thời gian, thích nghi với giao thông, năng lực vận tải công cộng, các khía cạnh văn hóa… Chính vì thế, Sở QH-KT cho rằng, với những ý tưởng có là đề nghị cuối cùng đi nữa thì cũng phải được hiểu như một tầm nhìn lâu dài chứ không phải là giải pháp cuối cùng.
MINH HUY