Thiếu đầu tư môi trường, doanh nghiệp mất cơ hội cạnh tranh

Đó là khẳng định của ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp trách nhiệm xã hội Unido. Ông Florian Beranek chia sẻ, chất lượng môi trường chính là thẻ tín dụng của thế hệ tương lai.

Đó là khẳng định của ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp trách nhiệm xã hội Unido. Ông Florian Beranek chia sẻ, chất lượng môi trường chính là thẻ tín dụng của thế hệ tương lai.

Việc chúng ta cho phép sử dụng tài nguyên, phá hoại môi trường như hiện nay đã và đang cho phép chúng ta sử dụng hết thẻ tín dụng, thậm chí tạo nên những khoản nợ vay mượn thiên nhiên mà thế hệ tương lai sau này sẽ phải trả với giá rất đắt. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tại những nước phát triển tại châu Âu, châu Mỹ luôn đề cao tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội khi lựa chọn đối tác hợp tác. Theo đó, yếu tố trách nhiệm xã hội không đơn thuần chỉ là việc doanh nghiệp thực hiện hoạt động từ thiện mà quan trọng hơn yếu tố hỗ trợ cộng đồng cùng bảo vệ chất lượng sống môi trường. Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết thêm, trên thực tế, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu và châu Mỹ bị trả hàng về vì không đảm bảo nguyên tắc trách nhiệm xã hội. Gần đây nhất, hiệp hội đang tháo gỡ vướng mắc cho đơn hàng của một công ty dệt may bị đình, không xuất khẩu được vì doanh nghiệp có lao động dưới 17 tuổi. Tương tự, nhiều lô hàng liên quan đến nông sản, chế biến thực phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị trả về vì không chứng minh quy trình thông tin chế biến cũng như xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Hoặc doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng toàn bộ lượng chất thải bao gồm chất thải rắn, khí thải xử lý không đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường theo đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia quốc tế…

Ông Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại kinh tế, cùng với việc dòng thuế xuất nhập khẩu càng giảm thì rào cản kỹ thuật, đặc biệt là rào cản về môi trường và quy tắc xuất xứ càng tăng lên. Thực trạng sản xuất của của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, những rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải thường là môi trường sản xuất không an toàn, quy tắc xuất xứ sản phẩm không thân thiện môi trường và không đảm bảo yếu tố an toàn lao động theo theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên nhân là do lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội. Một nguyên nhân khác là doanh nghiệp chỉ mới chú trọng đến khâu xử lý chất thải mà chưa quan tâm đến an toàn hóa chất sử dụng trong sản phẩm, phổ biến nhất là sản phẩm nông sản, thực phẩm. Do đó, trong sản phẩm nông sản, thực phẩm khi bị kiểm tra thường phát hiện lưu chứa hoặc tồn dư hóa chất cấm sử dụng trong chế biến, trồng trọt. Cuối cùng là doanh nghiệp không chứng minh thông tin liên quan đến quy trình sử dụng hóa chất và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Có thể nói, thực hiện trách nhiệm xã hội là yếu tố cần thiết và quan trọng không kém việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp muốn đi vào thị trường lớn.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục