6 người tử vong vì ngộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội” - một sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng - khiến người dân vô cùng hoang mang với công tác kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn bao nhiêu loại thực phẩm kém chất lượng tương tự như thế đang lưu thông trên thị trường, là câu hỏi nhiều người đặt ra. Sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” ra đời khá lâu, có đại lý khắp nơi, sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng sợ là ngay thời điểm xảy ra chết người, 6.000 can rượu (12.000 lít) đang có mặt trên thị trường với hàm lượng methanol (cồn) và ethanol trong rượu chiếm thể tích từ 80% đến trên 98%, vượt 1.600 đến trên 1.900 lần giới hạn cho phép.
Chỉ khi có nhiều người tử vong, các cơ quan chức năng quản lý mới vào cuộc để… xử lý hậu quả, mới “khẩn cấp thu hồi sản phẩm”, mới “mang sản phẩm đi xét nghiệm” và mới phát hiện Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh pháp lý cho việc sản xuất rượu tại công ty.
Vụ này cũng giống như vụ Trung tâm giải phẫu thẩm mỹ Cát Tường trước đó, đến khi có án mạng cơ quan quản lý mới phát hiện bác sĩ Tường không có chuyên môn về giải phẫu thẩm mỹ, từ đó mới kiểm tra đồng loạt các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ… Đó là kiểu quản lý “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong khi lẽ ra việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải là nhiệm vụ thường xuyên của các ngành chức năng ngay khi cấp phép - gọi là “hậu kiểm”.
Ngay sản phẩm có nhãn mác còn kém chất lượng, dẫn đến chết người thì với thực trạng hàng gian, hàng giả tràn lan khắp thị trường như hiện nay, người dân phải đối diện với nhiều “cái chết được báo trước”. Nhiều nhãn hàng thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh vẫn gây bát nháo thị trường, ai cũng thấy bất ổn, nhưng chẳng cơ quan chức năng nào xử lý. Cụ thể, nhiều thương hiệu nước mắm giới thiệu có độ đạm đến 45%, 60%, 70%… đó là điều phi lý, không thể có, nhưng chẳng ai xử lý. Hay như trước đây có vụ một công ty nước giải khát quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng là trà xanh chiết xuất từ thảo mộc, để rồi cuối cùng phát hiện ra “thảo mộc” ấy chính là hóa chất Trung Quốc, rồi cũng chẳng ai chịu trách nhiệm với người tiêu dùng.
Hiện nay, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép của các cơ quan quản lý tỏ ra rất chặt. Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép có trách nhiệm kiểm tra bằng cấp, chứng nhận cho những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về hậu kiểm có các cơ quan liên ngành công an, y tế, lao động - thương binh - xã hội, quản lý thị trường... Lẽ ra, khi hàng hóa xuất xưởng, các thông số ghi trên sản phẩm phải được kiểm tra, thẩm định mới cho bán ra thị trường. Thế nhưng các cơ quan quản lý lại làm quy trình ngược lại là khoán trắng cho doanh nghiệp, cứ xử lý theo kiểu “hớt ngọn”, sau khi xảy ra sự cố. Nói riêng về chất lượng thị trường rượu ngoại hiện nay cũng có rất nhiều việc phải bàn, như: nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, không dán nhãn phụ, ngay con tem chứng minh hàng nhập khẩu cũng được bán gần như công khai trên thị trường với giá chỉ 1.000 đồng/tem… Hóa đơn được sử dụng xoay vòng để đối phó sự kiểm tra của các cơ quan chức năng (một hóa đơn sử dụng cho nhiều đợt hàng). Trong khi chất lượng, thành phần trong sản phẩm chẳng cơ quan nào chứng minh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ rượu giả, cơ quan quản lý nhà nước mời đại diện thương hiệu đến phối hợp kiểm tra thì họ không hợp tác, do nếu công bố thương hiệu của mình có sản phẩm hàng giả, thì lo ngại bị người tiêu dùng tẩy chay. Do vậy, đại diện các thương hiệu nước ngoài cũng làm ngơ cho hàng giả, vì chính những gia đình, người thân của những nhà đại diện thương hiệu thành lập công ty để nhập khẩu hàng hóa, vừa kinh doanh gian dối vừa nhận tiền tài trợ của chủ thương hiệu ở nước ngoài. Trong khi đó, các cơ quan chức năng không có kinh phí, thời gian để “giám định chất lượng hàng hóa” nếu không có sự cố xảy ra trước.
Cứ như vậy, dù quy định hậu kiểm sau cấp phép đã có, có nhiều cơ quan được giao chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhưng khi xảy ra sự cố chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm.
HÀN NI