Theo chủ trương của Bộ Y tế tiến tới mở rộng khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở, Sở Y tế TPHCM đang triển khai khám bảo hiểm y tế ban đầu về tận trạm y tế phường, xã. Tuy nhiên, người bệnh liệu có yên tâm khi trạm y tế lâu nay được xem còn nhiều hạn chế.
Nhiều trạm y tế chưa đạt chuẩn
Ghé Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh TPHCM) khi trời đứng bóng, người bệnh đã vãn đi nhiều nhưng những giọt mồ hôi trên gương mặt của bác sĩ Phan Thanh Tùng chưa thôi rơi. “Đầu tuần nên bệnh nhân đông hơn mọi hôm, tranh thủ khám cho bà con về nghỉ ngơi, đi làm”, bác sĩ Tùng nói. Cơ ngơi trạm y tế khá khang trang với một trệt, một lầu trên khuôn viên diện tích xấp xỉ 500m² nên trông Trạm y tế Vĩnh Lộc A khá tươm tất.
Theo BS Tùng, hiện trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia về nhân sự, trang thiết bị có X-quang, điện tim và các phòng chuyên môn như phòng nha, xét nghiệm sinh hóa, đông y, sản nhi, cấp cứu…
Trạm y tế Vĩnh Lộc A được xem như một trong ít kiểu mẫu về trạm y tế của huyện Bình Chánh. Với gần 500.000 dân, huyện Bình Chánh có 19 trạm y tế thì cũng mới chỉ có 9 trạm y tế như Trạm y tế Vĩnh Lộc A, còn tới 7 trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia. “Dân đông, lại là vùng ngoại thành nên chúng tôi cũng muốn chăm sóc sức khỏe người dân tốt tại trạm y tế, nhưng nơi đây vẫn còn hạn chế về nhân lực, vật lực”, BS Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số trạm y tế tại các quận huyện vùng ven và ngoại thành như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức được xây dựng từ sau năm 2000 đến nay có quy mô rộng rãi, cơ sở hạ tầng tốt, đầu tư bài bản. Trong khi đó, hầu hết các trạm y tế khu vực nội thành do lịch sử để lại cơ sở chật hẹp, xuống cấp, thậm chí phải ở chung với UBND phường.
Điển hình như Trạm y tế phường Tân Thuận Đông, quận 7 là một dãy nhà cũ kỹ nằm lọt thỏm trong khuôn viên UBND phường. Mặc dù đã có dự án di dời, xây dựng trụ sở mới, nhưng mấy năm qua dự án trên vẫn án binh bất động. Hay như Trạm y tế phường 11 quận 10 nằm ngay góc đường Cao Thắng - 3 Tháng 2 chỉ là một căn nhà hẹp chừng 4m chiều ngang nhưng ngay phía trước lủng lẳng các bảng hiệu quảng cáo phòng mạch tư của bác sĩ. Trong khi đó, trạm y tế chỉ dành 1 phòng khám bệnh chưa tới 10m², 1 phòng thay băng cũng tương tự…
3 năm trở lại đây, mỗi năm Sở Y tế TPHCM phân bổ 30 tỷ đồng vốn sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế, chưa kể chính quyền các quận, huyện cũng có nguồn vốn cho trạm y tế phường, xã. Nhưng theo thống kê mới nhất cũng chỉ có 238/322 trạm y tế phường, xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Trạm y tế phường, xã là nơi được coi như “trăm dâu đổ đầu tằm” bởi thực hiện tới 13 chương trình chăm sóc sức khỏe gồm phòng chống hen suyễn, lao, kế hoạch hóa gia đình, da liễu, tâm thần, vệ sinh an toàn thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, đông y, sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống dịch bệnh, tim mạch-huyết áp… Trong đó, phòng chống dịch bệnh được coi là công việc nặng nề của các trạm y tế bởi mỗi đợt dịch bùng phát, trạm y tế phải là nơi đầu tiên trực tiếp phòng chống, giám sát tận ổ dịch, khu dân cư.
Ai khám, khám ai?
Tuy “ôm” nhiều chương trình sức khỏe nhưng chủ yếu là các chương trình quốc gia, nên thực chất trạm y tế chỉ thực sự làm nhiệm vụ tiêm chủng, cấp thuốc là chính. Chẳng hạn đối với bệnh nhân lao, tim mạch - huyết áp, tâm thần, việc chính của trạm y tế là cấp thuốc.
“Những lúc bận rộn nhất của trạm y tế là dịp tiêm chủng mở rộng hoặc uống vitamin A theo chương trình, còn năm thì mười họa mới có người vào thay băng, cắt chỉ, khám thai”, trạm trưởng một trạm y tế cho biết. Thực tế, công việc ở nhiều trạm y tế hiện nay khá buồn tẻ nếu không có dịch bệnh để phòng chống.
“Mặc dù trạm y tế có máy siêu âm nhưng toàn đen trắng, kỹ thuật viên siêu âm cũng chỉ học hành vài tháng là hành nghề, trong khi thai phụ muốn siêu âm màu, 3D, 4D”, bác sĩ ở một trạm y tế nói. Điều đó cho thấy, tâm lý người bệnh vẫn chưa tin tưởng vào trạm y tế vốn dĩ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực còn hạn chế. Thậm chí, có những trạm y tế nhận thuốc BHYT về nhưng cũng ít bệnh nhân đến khám để lãnh thuốc, đến khi gần hết đát lại trả về cho trung tâm y tế dự phòng.
Điều đáng nói, phần lớn các trạm y tế còn thiếu nhân lực chuyên môn. Ngoài bác sĩ trưởng trạm, còn lại là y sĩ và nữ hộ sinh không có chuyên môn chính quy về y tế phòng dịch hoặc học “chuyên tu”. Mặt khác, với cơ chế đãi ngộ còn nhiều hạn hẹp, thu nhập trung bình chỉ 3 triệu - 4 triệu đồng/tháng, lại không được mở phòng mạch tư khiến y bác sĩ không mặn mà về trạm y tế hoặc ở trạm y tế nhưng không thể tận tâm tận lực.
Do đó, ngoài một số trạm y tế thuộc các quận-huyện vùng ven khó khăn đi lại, người dân “đành” vô trạm y tế; còn các quận nội thành, các khu đô thị thì người bệnh vô bệnh viện cho… chắc ăn.
Với thực trạng như vậy, liệu việc đưa chương trình khám chữa bệnh ban đầu BHYT về trạm y tế phường, xã có được sự hưởng ứng của người dân? Theo BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, hiện đã thẩm định được 64 trạm y tế đủ điều kiện để phân bổ khám thẻ BHYT ban đầu. “Bên cạnh đạt các tiêu chuẩn quốc gia về trạm y tế, các trạm y tế này chỉ cần có phòng khám nội - ngoại và phòng sơ cấp cứu ban đầu”, BS Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM, trạm y tế cần được đầu tư đúng mức để những bệnh thông thường đều khám, chữa trị được, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, giữa trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện quận, huyện phải có mối liên kết chặt chẽ.
TƯỜNG LÂM
| |