Cách đây gần 3 năm, bất chấp sự can ngăn, phản đối gay gắt của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT vẫn nhất quyết cho ra đời Thông tư số 55 quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ và ĐH.
Chủ trương “bó hẹp” liên thông này nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong tuyển sinh. Theo đó, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề (TCN), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ, ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy được tổ chức hàng năm.
Chính sách bị ép chín vội vàng, thiếu tính khoa học và nhất quán này đã khiến người học lẫn các trường nghề, CĐ xấc bấc xang bang. Trải qua 2 năm thử nghiệm, việc “siết chặt” liên thông lên trình độ học cao hơn đã cải thiện chất lượng đào tạo như thế nào thì chưa rõ nhưng hệ lụy của nó lại nặng nề. Hầu hết các trường TCN, TCCN, CĐ nghề đều rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu vì tuyển sinh không được. Còn người học, chẳng cần biết năng lực của mình đến đâu cũng tìm mọi cách bước thẳng vào ĐH vì chuẩn đầu vào quá dễ dãi, chỉ đạt 12-13 điểm thi ĐH cũng có thể trở thành cử nhân. Bất cập khác là Thông tư số 55 này lại tạo phân biệt, ngăn trở hệ TCN, CĐ nghề liên thông lên bậc CĐ, ĐH, khiến không ít trường nghề thêm điêu đứng vì bị thí sinh quay lưng…
Nhìn thấy những bất cập và lỗ hổng này, mới đây Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ sửa đổi nội dung Thông tư số 55 cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh. Theo đó, thí sinh không cần phải học đủ 36 tháng vẫn có quyền dự thi ĐH và học sinh trường TCN, CĐ nghề sẽ được học liên thông lên bậc cao hơn… Quyết định “nới lỏng” chính sách liên thông này nhận được sự ủng hộ của người học, nhất là các trường vì được trả lại quyền tự chủ tuyển sinh đúng nghĩa. Tuy nhiên, nó cũng gây phản ứng của số học sinh, sinh viên trong 2 năm học qua vì chịu thiệt thòi, mất cơ hội học liên thông ngay sau khi tốt nghiệp TCCN, CĐ.
Một vấn đề khiến các các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục tiếp tục lo ngại là chất lượng đào tạo của hệ liên thông có đảm bảo sau khi nới lỏng quy định liên thông? Với tâm lý chạy theo bằng cấp, nhiều thí sinh rớt ĐH sẽ chọn trường nghề, hệ CĐ để dừng chân tạm thời và năm sau sẽ thi lại. Như thế, nếu không kiểm soát chặt đầu vào, chuẩn đào tạo ở bậc CĐ, ĐH thì chất lượng đầu ra không chỉ báo động đỏ, mà còn sẽ bị thị trường lao động tẩy chay nhiều hơn. Đó là chưa kể, mục tiêu phân luồng học sinh, đào tạo nguồn nhân lực theo cơ cấu ngành nghề, có trình độ kỹ thuật, tay nghề như yêu cầu đặt ra tiếp tục đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi lẽ sự lệch pha trong bức tranh nguồn nhân lực sẽ chẳng những không cải thiện được mà ngày càng mất cân đối nghiêm trọng vì lực lượng cử nhân - “thầy” được đào tạo nhiều hơn công nhân kỹ thuật - “thợ” lành nghề.
Có thể nói, việc ban hành chính sách liên quan đến số phận học hành của hàng trăm ngàn sinh viên nhưng phải sớm chỉnh sửa, thay đổi sau hơn 2 năm như nêu trên là bài học đắt giá cần rút kinh nghiệm cho Bộ GD-ĐT. Để nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc CĐ, ĐH, thay đổi cơ cấu ngành nghề thì phải có chính sách nhất quán trong tuyển sinh đầu vào, kiểm định chất lượng đào tạo theo chuẩn, chứ không đơn thuần là siết hay nới lỏng bằng biện pháp kỹ thuật như đã làm. Không những thế, muốn tạo sự thay đổi căn bản về chất đối với giáo dục ĐH, tiếp cận chuẩn quốc tế rất cần sự đầu tư nhất quán, tạo môi trường cho người học tiếp thu tri thức, chuẩn kỹ năng cần thiết để làm việc, thích ứng với đòi hỏi cao của thị trường lao động thế kỷ 21. Một khi các chính sách phát triển giáo dục còn bị động, không xuất phát từ quyền lợi người học và đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước thì sản phẩm đào tạo ra sẽ tiếp tục bị lỗi, đối mặt với thất nghiệp cao. Cái giá phải trả cho sự thiếu nhất quán, ổn định trong chính sách phát triển giáo dục không thể đo đếm được…
KHÁNH BÌNH