Tối 20-4, được phụ huynh đồng ý, 20 thiếu niên chưa ngoan ở TPHCM trải nghiệm một hành trình đặc biệt: trở thành công nhân quét rác đêm. Trong bộ đồng phục công nhân, nhiệm vụ của các em là dọn dẹp và làm sạch chợ Phạm Thế Hiển (quận 8). Mồ hôi đã đổ khi các cô, cậu chỉ quen tinh nghịch quậy phá và rất lạ với lao động, làm việc có ích.
Người đi đâu, đồ theo đó. Ở đây còn rác nè” - chị Nguyễn Thị Thu Thủy, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận 8, nhắc em Nguyễn Quang N. (15 tuổi) khi N. đi tay không tìm kiếm đống rác khác còn chổi, cào, gầu hốt rác đã buông nơi nào. Theo hướng chỉ dẫn, N. quay lại tìm đồ nghề rồi luồn chổi quơ sạch rác dưới hàng chục buồng chuối treo lủng lẳng. Xong xuôi, em lại cùng bạn dọn đống vỏ, xơ mít cao gần bằng đầu gối. Sau ba lần khiêng rác bỏ vô thùng, mồ hôi đã ướt đẫm má và cổ N. “Mệt thật! Không ngờ các cô, các bác công nhân quét rác vất vả thế. Từ nay, muốn vứt rác lung tung cũng… ngượng!” - N. thốt lên.
Trong nhà lồng khu vực bán rau, Nguyễn Thị Thanh Q. và Bùi Minh H. (cùng 16 tuổi) lúi húi dùng cào sắt bổ từng bọc rác nhét dưới hầm sạp bán rau. Mỗi lần moi được bọc rác nào ra là mùi hôi thối lại xộc lên nồng nặc hơn. Cả hai chỉ kịp quay đi theo phản xạ tự nhiên rồi không ngại ngần đặt chân lên lớp nước thải đen sì đọng sát mép hầm để moi sạch rác rưởi bên trong ra. Thấy bạn nữ cào rác vào gầu rồi lại khệ nệ đứng lên đổ vô thùng rác, H. ra dấu Q. cứ ngồi hốt rác vô gầu, còn H. sẽ cúi xuống, đứng lên mang rác đổ vô thùng.
“Đó, đã biết cắt cử, phân chia, giúp nhau rồi đó! Lần đầu tiên làm việc mà như thế là quá giỏi!” - chị Nguyễn Thị Một, công nhân quét rác, “hướng dẫn viên” của nhóm khen ngợi. Rồi H. và Q., người kéo, kẻ đẩy xe rác sang dãy sạp khác. “Đây rồi! Đống này bự nè!” - H. la lên khi bắt gặp đống rác cao chừng hai gang tay nằm ôm theo quầy rau. Cả hai dừng xe rác rồi lại tay cào, tay gầu cùng với Mã Phúc S. và Cao Thị Hồng Nh. (cùng 15 tuổi), dọn dẹp.
Đống rác vơi đi một nửa thì lộ ra chiếc túi xách đen còn mới. Cả nhóm ngưng tay ngó nghiêng rồi nhận xét không phải đồ bỏ đi, chắc là đồ của ai đó bị rớt hay bỏ quên? Sau khi thống nhất và được giao nhiệm vụ, Q. lục tìm trong túi kiếm thông tin về chủ nhân chiếc túi và báo về Quận đoàn quận 8 để trả lại chính chủ. Phó Bí thư Quận đoàn 8 Vũ Yến Oanh cho biết, tình huống đó không có trong kịch bản của ban tổ chức. Ở các nhóm khác, các bạn trẻ lại bắt gặp một chiếc xe gắn máy còn nguyên chìa khóa nhưng không có người trông coi đang để ở khu vực quét rác hoặc một em bé đang lượm ve chai, hoặc đơn giản là… một con rắn (giả). Và các bạn trẻ phải thể hiện khả năng tự xử lý mỗi vấn đề gặp phải.
21 giờ, chợ Phạm Thế Hiển đã được dọn dẹp sạch sẽ. 20 thiếu niên thu được gần 10 xe gác và đẩy về nơi tập trung. Được ngưng tay, Q. thổ lộ, từ 9 năm nay sau ngày cha mất và cũng là 8 năm ngày mẹ bỏ nhà đi, 4 anh em Q. ở với bà nội. Hàng ngày, đi học về thì đã có nội phục vụ sẵn, nên dù đã 16 tuổi nhưng Q. chẳng phải làm gì và cũng không biết làm gì. “Kiếm được đồng tiền chân chính không hề dễ dàng. Tối nay không ở nhà nhưng em đã biết được nội vất vả hàng ngày, hàng đêm để xoay xở nuôi chúng em thế nào” - Q. xúc động khi cầm 100.000 đồng, thù lao ngày công làm việc đầu tiên trong đời.
Không đưa cho nội như Q. nhưng Nguyễn Nhật N. (16 tuổi) cho biết, số tiền này em sẽ nuôi heo đất, để dành khi có việc cần. Thấy con mình đã biết cầm đến cái chổi, cái gầu dọn rác, chị Nguyễn Thị H. (mẹ em Nh.) mừng rỡ và cho hay, sẵn sàng gửi cháu đi lao động tập thể lần nữa, theo Đoàn thanh niên.
| |
Mạnh Hòa