Ý thức tôn trọng văn hóa và thiên nhiên

Nói đến giới trẻ, hẳn ai cũng gật gù thừa nhận: “Giới trẻ Việt ngày nay thông minh, nhạy bén và hiện đại lắm, nhưng…”.  Sau từ “nhưng” là biết bao điều phải bàn, nhất là ý thức của giới trẻ. Chính sự nhạy bén, hiện đại, thích xê dịch, thích khám phá những điều mới mẻ đến phát cuồng đã gây bao phiền hà cho những người xung quanh, cho xã hội khi ý thức của người trẻ không theo kịp với xu hướng thích ứng cái mới của họ. Người ta gọi đó là hội chứng “cuồng thái quá” mà giới trẻ đang góp phần xây thành, đắp lũy cho thế hệ mình.

Chẳng hạn, một địa danh nào đó được đưa lên mạng, nhận được nhiều lời khen ngợi là y như rằng chỉ vài tháng sau nơi ấy sẽ trở nên hoang tàn, xơ xác. Bởi vì chính những người trẻ tìm đến để được “check-in” và đưa lên Facebook ghi điểm với bạn bè. Đơn cử như cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang kêu cứu vì bị giới trẻ tìm đến giẫm nát; cánh đồng hoa hướng dương ở Đơn Dương (Lâm Đồng) rũ rượi vì dấu chân người trẻ; hay thung lũng hoa ở Hồ Tây (Hà Nội) nát bét dù đã treo biển xin giữ gìn hoa…

Mới đây nhất, từ sau khi MV Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng MTP ra đời, giới trẻ đã sốt xình xịch với những cảnh quay liêu trai như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Thế rồi người trẻ săn lùng và phát hiện địa danh ấy là ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Ngay lập tức, ngôi chùa trở thành nạn nhân của những người trẻ thích xê dịch. Từ một chốn tâm linh đẹp, yên tĩnh, lung linh trong từng góc quay, nay đã trở nên ồn ào, xô bồ, nhếch nhác. Người trẻ tìm tới một phần là muốn có bức hình cùng chung góc chụp với nơi thần tượng của mình đứng quay MV, nhưng phần lớn là để “check-in” địa danh bồng lai tiên cảnh đang sốt trên mạng xã hội qua MV Lạc trôi. Nhìn những tấm hình tả lại ngôi chùa được giới trẻ tìm đến trong những ngày tết mà ai cũng phải thảng thốt. Người trẻ kéo đến, trang phục thì quần có, váy có, thậm chí là mặc cả quần đùi, dắt theo thú cưng lên chùa. Rồi họ đi bất cứ đâu họ thích, ngồi bất cứ chỗ nào họ muốn và xả rác mọi nơi, dù nơi ấy đã đặt biển hướng dẫn. Đến mức nhà chùa phải lên tiếng cầu xin người trẻ hãy trả lại Linh Quy Pháp Ấn chút bình yên và thanh tịnh. Vậy nhưng khi ai đó chỉ ra điều xấu xí ấy, họ lại biện minh rằng “mình thích thì mình đi thôi” hay “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”…

Trước đó, địa danh quay phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ở Phú Yên cũng gặp “bão” khi người trẻ ùn ùn kéo đến sau khi bộ phim khởi chiếu. Những bước chân ham đi nhưng chậm luyện rèn ý thức đã khiến “hoa đã thôi vàng và cỏ đã hết xanh”, khiến người dân địa phương chỉ biết thở dài tiếc nuối cho vùng đất quê mình.

Vẫn biết nhờ có những thước phim như vậy, nhiều vùng đất xinh đẹp của quê hương, đất nước mới được mọi người biết đến, ấy vậy nhưng sau những gì người trẻ để lại, địa phương đó đã không còn mong muốn hay tham vọng về một bước tiến trong phát triển du lịch. Bởi sau mỗi bước chân người trẻ, cái họ nhận lại là cả người và cảnh đều oằn mình khắc phục.

Đời người thì dài nhưng đời tuổi trẻ ngắn lắm, hãy sống hết mình để đó là những ngày tháng thật ý nghĩa, thật vẹn tròn với chính mình, với những người xung quanh và với cả xã hội. Để rồi khi nhìn lại những ngày thanh xuân tuổi trẻ đã qua không ai phải hối tiếc bởi hai từ “giá như”!

HẢI THU

Tin cùng chuyên mục